Căn bệnh nói theo, viết theo cấp trên là một căn bệnh trầm trọng. Thậm chí chép gần nguyên xi mẫu mã văn bản nghị quyết, báo cáo tổng kết năm, tổng kết nhiệm kỳ, của các cấp, các ngành, các hội đoàn thể, rồi phát biểu, xuất bản ấn phẩm của các đại hội, các lễ kỷ niệm, các kỳ tổng kết ở cấp cơ sở đều thế.
Cán bộ chấp bút cũng như thủ trưởng đều nghĩ rằng cứ viết, cứ nói theo cấp trên cho khỏe, càng giống về nội dung và ngôn từ càng tốt để chứng minh có trình độ cập nhật hiện đại mà lại an toàn.
Đồng thời cách nói, cách viết chung chung ấy không ai bắt bẻ, không ai phản biện được, chỉ có khác chẳng hạn khi cấp trên đã ấn định chỉ số tăng trưởng GDP là bao nhiêu phần trăm thì cấp dưới nhớ là phải đề cao hơn một mức nào đó để thể hiện tinh thần tấn công, tinh thần năng động, khả năng lãnh đạo giỏi, chứng tỏ năng lực và bản lĩnh của cán bộ địa phương, của ngành, của hội mình chứ ai khảo sát nổi, bởi rất khó xác định được số nguyên gốc, thì làm sao xác định được số phần trăm tăng thêm của từng năm.
Xin ví dụ: Tháng 11 năm 2007, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 12 thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2008 đã xác định chỉ số là “Với tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 8,5 – 9% và kiềm chế chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới tốc độ tăng GDP” (Báo “Người đại biểu nhân dân” 27/11/2007).
Thế nhưng trước đây hai năm, nghị quyết của tỉnh N là: “Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2006- 2010 là 11,5 đến 12,5%”. Còn văn bản báo cáo của huyện Y thì cao hơn nữa: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 15,5%”.
Một huyện độc canh lúa, năng suất đã kịch trần, có hai nhà máy nhỏ thiếu nguyên liệu trầm trọng làm sao tăng cao hơn tỉnh 4% được. Đó là chưa kể sự đe dọa của thiên tai dịch bệnh đối với nông nghiệp rủi ro cao.
GDP cao bao nhiêu cũng không sao, còn nói cụ thể chắc chắn sẽ bị sức ép giám sát của dân ví như nghị quyết huyện nêu chỉ tiêu đến năm 2010 phải có 50% số trường THPT đạt chuẩn Quốc gia mà hết năm 2007 rồi vẫn chưa có trường nào trong 8 trường đạt được thì ai cũng biết.
Có một bài bình luận đã viết về hội chứng nói theo, viết theo: “Không chỉ có GDP của cả nước mà còn có GDP của từng tỉnh, từng huyện thậm chí phường xã cũng tính GDP”.
Tôi xin nói thêm GDP đã về đến cấp xóm. Trong một hội nghị chi hội cựu chiến binh xóm, tôi nghe đồng chí chi hội phó nói rằng chỉ số tăng GDP của xóm ta cao nhất so với các xóm trong xã. Tôi đề nghị ở xóm không nên nói GDP mà xin nói rõ tổng thu nhập toàn bộ về sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ tính ra tiền xem năm nay cao hơn năm trước không, cao hơn bao nhiêu.
Tổng diện tích canh tác của toàn xóm đã biết, mỗi năm làm hai vụ lúa một vụ đông trồng khoai ngô, có năm phát động trồng thêm cây bí. Nhiều hộ dân xóm ta không sản xuất vụ đông, họp hành vận động mãi, xã trợ giúp giống, thuốc bảo vệ thực vật họ cũng không làm, cựu binh ta nhiều hộ cũng bỏ.
Năng suất, giá đã xác định được, ngành chăn nuôi, nghề phụ cũng xác định được, lấy gì để tăng trưởng cao hơn xã, huyện, tỉnh thế? Không ngờ đồng chí ấy nói xóm ta có lực lượng về hưu lương cao, và nhờ người xuất khẩu lao động.
Lương hưu cao, một số thanh niên xuất khẩu có tiền gửi về mua đất, mua nhà, sắm sửa riêng thì liên quan gì đến đời sống của gần chục hộ nghèo đói trong xóm đã nhiều năm rồi không xóa được.
Thì ra khi nói bình quân thu nhập đầu người 850 USD/1 năm là tính cả các loại tiền ấy, còn tiền tươi thóc thật của nông dân chỉ mong mỗi khẩu, mỗi tháng được 100.000 đồng tiền Việt nhiều hộ vẫn chưa có được. GDP đã về xóm như thế.
Đọc nhiều rất ngán những cụm từ chung chung không nói lên gì cả như “Học sinh đỗ đại học năm sau cao hơn năm trước, học sinh kém giảm đáng kể”. “Huy động trẻ đến trường cao hơn cùng kỳ năm trước”. “Tai tệ nạn giảm thiểu”.
Văn bản hội nghị càng có nhiều từ hăng hái như: Tăng cường, đẩy mạnh, đột phá, xoay chuyển, gắn kết, xã hội hóa… đọc rất sướng tai nhưng chẳng can hệ đến ai như khi nghe chỉ số GDP của xã của xóm vậy.
Hoàng Văn Hân
Nghệ An