Gặp bác sỹ cắt hai quả thận của người bệnh

TP - Dự kiến hôm nay (13/3), TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) mời nguyên đơn là bà Hứa Cẩm Tú, người bị cắt hai quả thận và bị đơn là đại diện Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ để hòa giải.

Bà Hứa Cẩm Tú ở thị trấn Thới Lai (Thới Lai, Cần Thơ) bị bác sỹ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cắt hai quả thận vào ngày 6/12/2011. Vụ việc gây xôn xao dư luận, vì trước và trong khi mổ, bác sỹ xác định bà chỉ bị hư thận trái (sỏi thận, ứ nước độ 3). Sau đó, bà được đưa ra Bệnh viện Trung ương Huế ghép thận ngày 10/7/2012, đến 5/9/2012 về nhà. 

Thời gian này, bà được Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ trợ cấp mỗi tháng 6 triệu đồng, giảm xuống 3 triệu đồng. Ngày 24/4/2013 thận của bà bị cắt. Bà Tú kiện ra tòa đòi Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ bồi thường một lần gần 443 triệu đồng, trả chi phí điều trị cho bà mỗi khi biến chứng, hằng tháng trả hơn 8 triệu đồng cho bà và 3 con sinh sống (đến khi bà chết, con tròn 18 tuổi).

Bà Tú cho biết, tiền bồi thường tính bình quân bà mất thu nhập một tháng 4 triệu đồng (lãi nuôi heo, bồ câu, gà vịt), chồng bà phải chăm sóc bà nên mất một tháng 8,5 triệu đồng (làm chậu kiểng và mua bán xơ dừa) và mỗi tháng gần 5 triệu đồng (trợ cấp nuôi con, mất khả năng lao động, bù đắp tinh thần) cùng các khoản phí chữa bệnh.

Lý do đòi bồi thường của bà Tú, khi phẫu thuật xong, bác sỹ Nguyên cho biết là phẫu thuật thành công nhưng thực tế sai nghiêm trọng, vì hư một quả thận lại cắt hai. Hai ngày sau phẫu thuật, khi bà bị phù nề thì bác sỹ mới phát hiện bà bị cắt 2 quả. 

“Sai thì phải bồi thường, luật đã quy định”, bà Tú nói. PV Tiền Phong hỏi bác sỹ Nguyên: “Mổ xong, ông vẫn không biết đã cắt cả hai quả thận của bà Tú?”. Bác sỹ Nguyên trả lời: “Tôi vẫn đinh ninh còn thận phải và sức khỏe bà Tú sẽ phục hồi tốt”.

Bác sỹ Nguyên giải thích: Bà Tú bị dị tật thận móng ngựa hình chữ L, rất hiếm gặp trong y văn. Bị dị tật này, hai quả thận của bà Tú nằm hoàn toàn sang bên trái và dính liền với nhau. 

“Ban đầu mổ nội soi, bị chảy máu, tôi mổ hở để lấy thận ra vẫn đinh ninh còn quả thận bên phải. Dị tật thận móng ngựa hình chữ U, hai quả thận nằm hai bên, đã hiếm gặp còn chữ L thì chưa hề gặp”, ông Nguyên nói.

Trong cuộc họp Hội đồng chuyên môn sau sự cố, PGS.TS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Thận-Tiết niệu Việt Nam, công nhận bệnh của bà Tú là trường hợp hiếm gặp nhưng có nói, không nhận định được thận móng ngựa trước và trong lúc mổ là sai lầm. Cũng cuộc họp ấy, bác sỹ chuyên khoa 2 Lê Quang Dũng, Trưởng khoa Tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết, nhìn vào hình ảnh CT-Scan đã thấy thận móng ngựa. 

Bác sỹ Nguyên lý giải, chụp CT-Scan trên máy có 400 ảnh, in ra chỉ 64 ảnh, nếu đọc trên máy sẽ thấy ngay hai quả thận đã dồn sang một bên, còn đọc phim thì không rõ ràng. Ông thừa nhận, bản thân ông khi xem phim cũng nghi ngờ bệnh lý của thận trái, dự tính sẽ hội chẩn thêm với bác sỹ đọc phim Trần Văn Sang trước khi mổ.

“Nhưng không thấy bác sỹ Sang nên tôi đi tiếp vào phòng mổ để thực hiện ca phẫu thuật theo chương trình đã được chuẩn bị. Nếu tôi dừng lại thì có thể bệnh nhân gặp hiểm nghèo mà chúng tôi không mệt mỏi như bây giờ”, ông Nguyên nói.