Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước có 688.466 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Sau 8 ngày điều chỉnh nguyện vọng (từ 19/7 đến 17h ngày 26/7) cả nước có 230.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng theo hình thức online (trực tuyến); có 62.363 thí sinh điều chỉnh theo hình thức offline (điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu).
Như vậy tổng số thí sinh điều chỉnh bằng hai hình thức là 292.808 thí sinh (chiếm 42,53% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia), giảm 3,14% so với năm 2017. Trong đó, tính riêng ngày 26/7, cả nước có 43.790 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Cũng trong số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng thì có 90 thí sinh điều chỉnh khu vực ưu tiên và 78 thí sinh điều chỉnh đối tượng ưu tiên.
Tín hiệu mừng cho nhóm ngành sư phạm
Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, riêng với nhóm ngành đào tạo giáo viên, cả nước có 128.248 nguyện vọng trước khi điều chỉnh. Trong đó, nguyện vọng 1 là 43.768.
Tổng nguyện vọng sư phạm sau 2 ngày điều chỉnh 126.688, trong đó nguyện vọng 1 là 43,663; Tổng nguyện vọng sư phạm sau 4 ngày điều chỉnh 126.237, trong đó nguyện vọng 1 là 43,763;
Tổng nguyện vọng sư phạm sau 7 ngày điều chỉnh 125.406, trong đó nguyện vọng 1 là 43,881;
Tổng nguyện vọng sư phạm sau 8 ngày điều chỉnh 125.166, trong đó nguyện vọng 1 là 43,555.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết tổng chỉ tiêu ngành sư phạm giảm rất mạnh, tới 38%. Năm nay tổng chỉ tiêu vào các trường sư phạm là 35.590.
Một điểm mới nữa của khối ngành đào tạo giáo viên năm nay là Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn xét tuyển. Theo đó, đối với hệ ĐH, điểm sàn là 17 điểm, CĐ là 15 điểm và trung cấp là 13 điểm đối với mỗi tổ hợp xét tuyển chưa kể điểm ưu tiên, điểm khu vực.
Như vậy, năm nay điểm sàn sư phạm tăng lên nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 không thay đổi so với đăng ký ban đầu.