Gái già lắm chiêu ăn theo phim Mỹ đến đâu?

TPO - Gái già lắm chiêu (GGLC) được cặp đạo diễn Bảo Nhân- Nam Cito mặc định là “vũ trụ điện ảnh” về giới nhà giàu. Nhưng không hiểu hai tác giả có dụng ý gì ở đây không khi ngay từ đầu chọn những lối nói xuồng sã, có phần bỗ bã để gọi tên vũ trụ của mình. Phải chăng “giàu mà không sang” là thứ họ muốn mổ xẻ?!

Gái già lắm chiêu 3 hội tụ dàn diễn viên lý tưởng

Có vẻ đúng thể thật với phần thứ ba. Ngay từ buổi đầu Lê gia ra mắt khán giả đã thấy thiếu tôn ti trật tự. Trong bữa ăn mà “mệ nội” ngồi bảnh tỏn xem điện thoại rồi rú lên như trẻ con nghiện game. Con dâu mặt nặng mày nhẹ dằn bát xuống bàn rõ to trước mặt mẹ chồng và thực khách…

Đau đầu vì nhà giàu

Việc chọn giai tầng không phải quý tộc hẳn cũng đỡ cho đoàn làm phim khỏi phải tìm hiểu và lệ thuộc vào các lề thói rất có thể cũng đã thất truyền. Trong việc dựng lên hình ảnh dòng dõi sang trọng, có thể coi Lê gia là những “kẻ lừa đảo” vô hại. Nhưng vấn đề là phim không làm cho khán giả tin được đó là những người xứng đáng để đạt được và giữ gìn sự giàu có lâu đến vậy.

Bà “mệ nội” mặc sức chi tiêu vào những món thời trang xa xỉ và lo tân trang nhan sắc đến độ trông trẻ hơn cả con dâu. Đâm ra cảnh mẹ chồng mắng con dâu xem mà không cảm nổi, chỉ vì trông như thể là ngược lại. Các hình ảnh đã được chỉnh sửa kỹ lưỡng tung lên báo chí trước đó khác xa với tạo hình của NSND Lê Khanh trong phim. Cháu đích tôn thì không quan tâm và tất nhiên không chăm lo gì cho gia đình. Không thấy ai trong Lê gia lo làm ăn kinh doanh mà chỉ thấy ăn của từ xưa để lại. Con dâu Thái Tuyết Mai (Lê Khanh) là người cáng đáng duy nhất nhưng cũng chỉ ở mức giật gấu vá vai và âm thầm quyết những chuyện động trời không bàn với ai.

NSND Hồng Vân trong phim trở thành biểu tượng thời trang tuổi 70

Trong nhà không nói chuyện được với nhau, muốn bảo ban nhau chỉ có cách là to tiếng, nói thốc vào mặt nhau những gì mình nghĩ. Người ngoài càng không được Lê gia nể mặt. Thế nên bà Mai cũng chả ngại gì mà không hạ nhục Ms Q. tức Quyên- ý trung nhân của con trai mình- mỗi khi có thể. Đến lượt một cô con nhà giàu khác- tình địch của Quyên cũng nói toẹt vào mặt Quyên những gì cô ta muốn. Hẳn phim muốn khắc họa bộ mặt xấu xí, thô kệch không chỉ của Lê gia mà còn của giới nhà giàu nói chung? “GGLC3 là một phim về giới thượng lưu giàu có nhưng là ở Huế thôi, chứ không dám nói là sự giàu có chung của Việt Nam,” Bảo Nhân từng tuyên bố.

Vậy còn đại diện cho thế hệ mới, cấp tiến thì thế nào. Rất tiếc Quyên- mang tiếng là MC nổi tiếng nhưng trước tất cả những mũi dùi chĩa vào mình chỉ biết lườm nguýt, ngúng nguẩy- thái độ khó chịu ra mặt kể cả với người lớn- và cuối cùng là bỏ đi hoặc chạy trốn. Với người yêu, bạn bè, đồng nghiệp Quyên lại tỏ ra đành hanh, lấn lướt. Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có hiền dịu, nhí nhảnh, nhưng nói chung thiếu sắc sảo, kém thông minh. Tóm lại là không có đủ cá tính, không đủ “nét” để làm nhân vật chính, nhất là lại chính diện.

Xây dựng được một thân phận, một nội tâm xuyên suốt nhất phim có lẽ là của Lê Khanh. Chị đã giữ được chút đời sống cho nhân vật của mình. Chỉ tiếc ở chỗ đó lại là một chân dung bi lụy, động tí chảy nước mắt. Và bị chi phối bởi “vũ trụ” hành xử nói năng “lỗ mãng” chung cho cả giới nữ trong phim nên độ sắc sảo, sâu sắc cũng bị giảm đi ít nhiều.

NSND Lê Khanh trong vai mẹ chồng khó tính lần đầu gặp con dâu

Bao nhiêu dễ thương ngọt ngào của phim được dành cho vai Jack của Lê Xuân Tiền. Mặc dù là người mẫu nhưng Tiền diễn vai này rất thoải mái, tự nhiên, như thể anh đóng chính mình. Tất nhiên vai này cũng chẳng đòi hỏi gì khó khăn. Chủ yếu mặc đồ đẹp, thỉnh thoảng cởi khoe thân. Nhưng cảnh nóng cuối cùng đạo diễn quyết định bỏ. Không phải vì diễn viên mà do đạo diễn tự thấy mình chỉ đạo không đạt. Hình như đạo diễn muốn dùng lời nói thay hành động nên để các nhân vật nữ nói về “chuyện đó”, “cái đó” hơi nhiều, hơi trắng trợn và tất nhiên là không (cần) duyên. Chắc là “gái già” nó phải thế!?

Nói chung giới nhà giàu mà GGLC3 khắc họa giống giàu xổi, giàu cú chót hơn là giàu nhiều đời, giàu bền vững. Được biết các đạo diễn có tham khảo một (vài?) gia đình trâm anh thế phiệt ở Huế từ bước đi đến cách dùng từ và có vận dụng trong phim. Nhưng có vẻ họ cũng không muốn nệ vào hiện thực khi rút cuộc để cho nhà giàu trong phim tự bóc mẽ chính mình.

Vậy nên nhà giàu trong GGLC3 khác và không thể so với Crazy Rich Asians (tên tiếng Việt: Giới siêu giàu Châu Á)- một phim về giới siêu giàu châu Á chiếu năm kia. Mạng lưới nhân vật tương đôi khác. Tính cách nhóm nhân vật chính cũng bị phá hoàn toàn. Phần đối thoại của GGLC3 cũng không hề thể hiện học thức, chiều sâu, sự đấu trí như trong Crazy Rich Asians. Phim Mỹ cũng không có kiểu chọc cười thỉnh thoảng lại chêm vào như thể sợ khán giả buồn ngủ. Các nhân vật trong GGLC3 ngoài những lúc giả lả chịu đựng nhau ra như chỉ trực đâm bổ vào nhau. Phim cứ một mực bảo nhà giàu cũng giống showbiz nhưng thực ra giống cái chợ hơn.

Cảnh con dâu diện kiến mẹ chồng trong Crazy Rich Asians

Tuyệt chiêu né tác quyền?

Điểm khác của phim Việt là nghề của nữ chính là truyền thông giải trí chứ không phải giảng viên Đại học. Nhưng cũng như nhà giàu, giới showbiz được GGLC3 khắc họa cũng không thấy đâu điểm sáng hay lòng yêu nghề, toàn thấy scandal từ thế hệ này qua thế hệ khác cùng thái độ xem thường, chối bỏ chính mình và nghề nghiệp của mình. Cảnh chốt hạ liên quan tới số phận biệt phủ của Lê gia cũng là sự kiện khác phim Mỹ nhưng lại bị giả và tất nhiên kém phần gay cấn.

Nhưng ngoài những điểm cố không giống hoặc không giống được ra, cái quan trọng là đường dây kịch bản thì GGLC3 là một bản sao khó có thể chối bỏ của Crazy Rich Asians. Nếu đã xem phim Mỹ rồi thì xem phim Việt chỉ còn để cho vui, không có gì quá hồi hộp nữa. Đụng hàng ngay ở bố trí những cảnh nhấn như dạ hội, tiệc tùng, chỉ khác về tiểu tiết.

Tiệc tùng không kém phần xa hoa trong Gái già lắm chiêu 3

Phim Việt vẫn cố giữ những chỗ không thể gọi là trùng hợp. Đến nỗi ngay khi vừa tung trailer, đã có bài báo chỉ ra 10 điểm giống giữa phim của hai đạo diễn Việt và phim của Jon M.Chu. Sau đó khi lên phim, một vài cảnh trong trailer đã bị bỏ, chẳng hạn cảnh 3 thế hệ cùng nặn bánh trôi (trong phim Mỹ là nặn há cảo). Nhưng tại sao nhân vật nam chính đều nhất thiết phải mời nữ chính đi ăn tối, cầu hôn, với cùng một câu mào đầu: “Chúng mình đã hẹn hò nhau được một năm…” Cả trong hai phim, nữ chính đều được cầu hôn 3 lần. Chắc là phải hâm mộ sâu sắc Crazy Rich Asians và có một sự thích thú đặc biệt nào đó được công khai giống như hình mẫu mới dẫn đến những sự sao chép tỉ mỉ này.

Bảo Nhân nói: “Chẳng ai dại gì đi làm y chang bộ phim đã quá nổi tiếng” và “Chắc chắn phim GGLC3 sẽ là một câu chuyện hoàn toàn mới”. Nhưng bên cạnh đó anh vẫn tung thông điệp rằng (nếu) có giống cũng là bình thường, cả làng giống riêng gì phim tôi, như trong trả lời phỏng vấn sau: “Không riêng gì phim chúng tôi làm mà những bộ phim điện ảnh khác của Việt Nam cũng thường bị so sánh với phim nước ngoài. Vì chúng ta xác định nền điện ảnh của Việt Nam đi sau rất nhiều nền điện ảnh khác trên thế giới. Vậy thì việc những dự án điện ảnh của chúng ta kế thừa tinh hoa từ ‘đàn anh’ đi trước là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi không thể phủ định những định kiến cho rằng chúng tôi đi theo chiếc bóng mà Great Gatsby hay Crazy Rich Asians tạo ra được.” Có thể coi là “định kiến” được không khi hai phim giống nhau hệ thống từ tổng thể tới chi tiết đến vậy?!

Trong kỷ lục cán mốc doanh thu 100 tỉ đồng nhanh nhất (sau 6 ngày công chiếu) của Gái già lắm chiêu phải chăng cũng có sự góp phần của việc nhập nhằng giống và khác với Crazy Rich Asians? Phải chăng Bảo Nhân và Nam Cito đã tìm ra tỷ lệ copy đủ để làm lợi cho mình lại không phải trả bản quyền?