Càng về tết những giấc ngủ của tôi càng chập chờn khó hiểu. Không phải lúc nào tôi cũng nằm mơ, có khi chỉ là một cảm giác hoang hoải chòng chành như vừa hụt chân và nó khiến tôi giật mình thức giấc vào lúc hai hoặc ba giờ sáng. Những hôm tôi nằm mơ, trong giấc mơ hầu như chẳng có gì ngoài tiếng xập xình của một đoàn tàu hoả. Nó xa, xa lắm, tôi luôn cảm thấy mình vẫn cố gắng đi về phía có âm thanh ấy nhưng mọi thứ cứ nhoà đi và khó hiểu. Thỉnh thoảng tôi lại thấy thứ gì đó như tấm kính của một con tàu và bên kia, sau tấm kính, dường như là bóng dáng của một người. Không thấy mặt, không thấy hình hài chỉ là có cảm giác về một bóng dáng thân quen. Tôi rất ghét những giấc mơ vì chúng mơ hồ, càng nỗ lực kể ra thì càng làm cho chúng sai lạc đi vì thực ra giấc mơ không muốn cho tôi thấy cái gì cụ thể cả, chúng chỉ muốn cho tôi cảm giác mà thôi và ngay cả những cảm giác ấy cũng không rõ ràng để mà tóm gọn lại trong một hoặc một vài từ.
Nhưng mà tôi không ngăn cản được, tất cả những thứ mơ hồ ấy lại vừa kéo đến đêm qua. Nếu tôi thành thật với chính mình thì thực ra tôi cũng biết âm thanh từ con tàu và tấm kính ấy có ý nghĩa gì trong cuộc đời tôi. Tôi còn biết là sở dĩ những giấc ngủ của mình không trọn vẹn là vì ban ngày tôi vẫn thường xuyên nghĩ ngợi. Chính xác là tôi nhớ về một nơi mà trước đây tôi đã sống. Một thành phố bên bờ biển. Bốn năm đại học của tôi. Mối tình đầu của tôi…
Mười tám tuổi, tôi thi đậu một trường Đại học tại Đà Nẵng. Chuyện sẽ chẳng có gì để mà phải kể ra đây nếu tôi không quen người con trai ấy. Một chàng trai Đà Nẵng nhưng đang học Đại học tại Sài Gòn, cách xa phải gần nghìn cây số. Dĩ nhiên là quen qua mạng rồi chứ tôi đâu phải là người Đà Nẵng nên làm sao gặp nhau thời phổ thông được. Nghĩ mà xem, một đứa sinh viên năm nhất hay khóc nhè vì thấy mình lạc lõng giữa thành phố chắc là náo nhiệt nhất cái miền Trung này, còn đứa kia ở tuốt Sài Gòn lúc nào cũng nhớ Đà Nẵng, tréo ngoe thật nhưng mà chính cái sự tréo ngoe này nó cột chúng tôi lại với nhau. Giữa chúng tôi là cả đại dương để mà chia sẻ. Mỗi lần thèm ăn gì, uống gì, mua gì tôi liền nhắn tin cho cố vấn đặc biệt của mình, tôi đến tất cả những nơi mà người ấy thân quen. Người ấy bảo không còn nhớ nhà nữa vì đã có tôi. Mỗi ngày nói chuyện với nhau vài phút là đã thấy cả một Đà Nẵng sinh động rồi, tôi đi đâu, làm gì cũng thường chụp ảnh lại như một cách ghi nhật ký cho mình.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là tại ga Đà Nẵng. Người ấy đi từ ga Sài Gòn ra còn tôi thì đang đợi tàu để ngược ra bắc về quê. Tôi đến sớm trước giờ tàu chạy sáu tiếng và ngồi chờ, người ấy thì về trong im lặng cố tình không báo với gia đình, nhà người ấy cách ga có năm trăm mét. Tàu về trễ hơn dự kiến đến ba tiếng đồng hồ, những chuyến tàu tết vẫn thường như thế. Tôi ngồi trong phòng chờ giữa ngổn ngang hành khách và hành lý, mỗi tiếng còi tàu hú qua ga, mỗi tiếng xình xịch tàu đến rồi đi, mỗi âm thanh phát ra từ loa thông báo đều lấy đi một nhịp tim tôi. Cuối cùng chúng tôi cũng thấy được nhau giữa dòng người chen lấn. Người ấy trông đen và nhiều mụn hơn ảnh mà tôi thấy trên mạng một chút. Không biết người ấy nghĩ gì về tôi, tôi không dám hỏi, mãi đến bây giờ vẫn không biết hôm ấy người ta đã nghĩ gì. Có một quán cà phê bên kia đường, đối diện ga nhưng chúng tôi không dám ra đó vì không muốn bị ai quấy rầy. Ra khỏi ga là lúc nào cũng có thể gặp người quen. Vậy là ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ trong phòng chờ, một góc nhỏ và xa cửa ra vào. Tôi không nói được nhiều như khi ở trên mạng. Cả hai không ai nói được nhiều. Người ấy mua mỳ tôm, chúng tôi ăn cho đỡ đói. Rồi ăn cả hạt dưa nữa, bao nhiêu vỏ hạt dưa đều cho hết vào túi áo chàng trai ấy. Hôm ấy, Đà Nẵng mưa và lạnh nhưng chắc chắn không lạnh bằng đường về quê của tôi khi tôi rời ga này để đi dần ra bắc. Chuyến tàu của tôi đã vào ga, loa phát thanh mời hành khách lên tàu. Tôi luống cuống, bịn rịn đứng lên. Bất ngờ, người ấy cài dây kéo chiếc áo khoác to sù của tôi rồi lôi trong ba lô mình ra một chiếc khăn quàng cổ cẩn thận quàng cho tôi. Tôi chưa từng thấy pha quàng khăn nào mà lâu đến thế, hoặc có thể là do tôi run và hạnh phúc quá nên mỗi một giây trôi qua giống như một pha quay chậm trong các phim Ấn Độ.
“Sẽ lạnh lắm đó nhưng mà nhớ là có tớ ở đây nhé”.
Người ấy cầm lấy tay tôi đặt lên tim mình, một thoáng thôi, pha này thì tôi run quá chẳng kịp thở, chẳng kịp nghe tim người ấy đập hay gì cả vì tim tôi đập mạnh quá, lấn át cả tiếng tàu ngoài kia…
Dọc đường về, tôi nghĩ “ngốc quá, sao lại tặng khăn quàng cổ chứ, người ta bảo tặng khăn là sẽ chia tay mà…”.
Giá mà đừng tặng chiếc khăn ấy. Bây giờ tôi vẫn còn nghĩ và vẫn còn tin như thế. Giá mà đừng thế thì biết đâu chúng tôi vẫn bên nhau. Tại người, tại tôi, tại chiếc khăn hay tại chúng tôi để bây giờ chuyến tàu nào chạy ngang qua tôi cũng đều lấy đi tim tôi một nhịp và sân ga nào cũng thành ga Đà Nẵng trong mắt tôi. Nơi ấy là nơi lần đầu tôi biết mình yêu, cũng là nơi lần đầu tôi biết trái tim mình bị thương.
Bốn năm sau, chúng tôi đều đã ra trường. Tôi chỉ mong cho đến ngày học xong để vào Sài Gòn. Vì người ấy nhưng cũng là vì khát vọng tuổi trẻ của tôi nữa. Tôi nghĩ mình sẽ thành công hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và dĩ nhiên là hạnh phúc hơn trên mảnh đất phương Nam đầy hứa hẹn ấy. Thực ra, ban đầu người ấy bảo với tôi là muốn về quê, tôi biết người con trai Đà Nẵng ấy lúc nào cũng nhớ góc phố của mình, vương vấn gia đình, vương vấn góc quán nhỏ của gia đình. Nhưng tôi nghĩ là cần có chí lớn, cần vươn ra ngoài, xây dựng sự nghiệp. Nhiệt huyết tuổi trẻ của tôi cuối cùng cũng thuyết phục được anh. Năm ấy, chúng tôi cùng nhau đặt vé để tết xong cùng đi một chuyến tàu vào Nam. Đà Nẵng đã quen với tôi quá rồi, tôi háo hức muốn khám phá một nơi mới và chinh phục một cái gì đó mới mẻ, to tát thực sự.
Tàu vào ga Đà Nẵng và chỉ dừng ở ga mười lăm phút. Như đã bàn từ trước, tôi không cần xuống tàu tìm anh, chúng tôi thể nào cũng sẽ gặp nhau trên tàu. Hôm ấy, nắng xuân rạng rỡ, càng đi vào phía Nam nắng càng vàng càng tươi. Tôi ngồi trong khoang nhìn ra ngoài, cảnh vẫn không mấy thay đổi so với hôm Hai lăm Tết ngoại trừ mai đã nở vàng như nắng. Sân ga chộn rộn người lên xuống. Giữa dòng người, tôi chợt nhận ra dáng hớt hải của anh. Nhưng ơ kìa, anh không mang theo một cái gì gọi là hành lý cả. Tôi vẫy tay gọi anh trong lòng dâng lên một nỗi sợ, một cảm giác khó chịu vô cùng.
“Anh không đi được. Anh sẽ ở nhà luôn. Anh sợ em sẽ buồn nên muốn ra đây gặp chứ không gọi điện…”.
Người ta vẫn chen lấn xô đẩy và chộn rộn lên tàu. Hai tai tôi điếc đặc. Tôi không còn muốn nghe thêm một điều gì nữa. Con tàu chuyển bánh, tôi muốn nó chuyển bánh thật nhanh và không ngoái lại để xem người đứng trên sân ga hôm ấy thế nào. Từ đó, giấc mơ nhoè đi theo năm tháng.
Nhưng mà có một thứ chẳng nhoè đi chút nào, ngược lại nó ngày một rõ ràng hơn. Đó là cảm giác hụt tim mỗi khi tôi đi tàu ngang qua Đà Nẵng. Đường Hải Phòng, những ngôi nhà lúp xúp hai bên, bãi đỗ ô tô, chữ Ga Đà Nẵng màu đỏ, phòng chờ, sân đón - tiễn khách… Lúc nào, lúc nào chúng cũng làm tim tôi hụt đi mấy nhịp. Tôi nhớ quay quắt một góc nhỏ bình yên trong sân ga ngày cuối năm bận rộn. Nhớ quay quắt những quán bánh bèo, bánh xèo, bánh tráng gần đường Ông Ích Khiêm. Và nhớ nhiều nhất là anh nhưng tôi đã hứa không quay lại, một lần cũng sẽ không. Vì anh. Vì anh. Vì anh. Có lẽ anh cũng không cần biết là tôi vẫn nhớ khi mà anh đã có một cuộc đời mới.
Tôi đã nghĩ vậy nên đã có cuộc đời mới cho mình, ít ra thì tôi cũng đã nghĩ ấy là cuộc đời mới khi tôi có những người bạn trai mới. Họ bước vào cuộc đời tôi rồi bước ra, đến rồi đi như những con tàu trên sân ga và không có sân ga nào là cuối cùng hay mãi mãi.
Năm ấy, khi lòng tự trọng nổi lên, tôi đã từ chối mọi cơ hội để chúng tôi có thể nói chuyện lại với nhau. Tôi đã luôn cho rằng mình là người bị tổn thương cho đến gần đây, qua một người quen, tôi biết một sự thật về anh, đó là tết ấy gia đình anh xảy ra chuyện lớn. Dĩ nhiên là chuyện không hay nên anh mới không thể đi cùng tôi được. Tôi không hỏi chi tiết chuyện không hay ấy vì càng biết sẽ chỉ càng làm tôi tan nát.
***
Chẳng biết tôi có mộng du không nhưng tôi thấy mình đứng trước một quầy bán vé.
“Đi đâu em?”, chị bán vé hỏi.
“Dạ… về ga Đà Nẵng.”
Trong tim tôi, chỉ có một sân ga duy nhất ấy mà thôi.