G7, Úc áp giá trần dầu Nga 60 đô la Mỹ/thùng

TPO - Các quốc gia nhóm G7 và Úc ngày 2/12 đã đồng ý mức giá trần 60 đô la Mỹ/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga sau khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) vượt qua sự phản đối của Ba Lan và đạt được một thỏa thuận tương tự vào đầu ngày.

“G7 và Úc, với tư cách là thành viên hiện tại của Liên minh Giá trần, vào ngày 2/12 đã đạt được sự đồng thuận về mức giá tối đa là 60 đô la Mỹ/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển có nguồn gốc từ Nga,” tuyên bố cho biết.

Mức giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 hoặc không lâu sau đó. Các quốc gia cam kết "giám sát chặt chẽ hiệu quả và tác động của giá trần." "Chúng tôi sẽ chuẩn bị xem xét và điều chỉnh mức giá tối đa khi thích hợp”, trích tuyên bố.

Giới hạn giá, một ý tưởng của G7, được đưa ra giảm thu nhập của Nga từ việc bán dầu, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12.

Giá trần của G7 sẽ cho phép các nước không thuộc EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng sẽ cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi nó được bán với giá thấp hơn giá trần .

Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng nhất đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức trần giá sẽ khiến Mátxcơva khó bán dầu của mình với giá cao hơn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết mức trần này đặc biệt có lợi cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải chịu gánh nặng của giá lương thực và năng lượng cao.

Trước đó cùng ngày, EU đã thống nhất về mức giá trần sau khi được Ba Lan ủng hộ.

Đại sứ Ba Lan tại EU - Andrzej Sados nói với các phóng viên rằng Ba Lan đã ủng hộ thỏa thuận của EU, trong đó bao gồm cơ chế giữ mức trần giá dầu thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. Các quan chức Mỹ cho biết thỏa thuận này là chưa từng có và thể hiện quyết tâm của liên minh trong việc phản đối chiến dịch của Nga.

Người phát ngôn của Cộng hòa Séc, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên EU và giám sát các cuộc đàm phán của các nước EU, cho biết họ đã đưa ra thủ tục bằng văn bản cho tất cả 27 quốc gia trong liên minh để chính thức bật đèn xanh cho thỏa thuận này vào cuối tuần sau khi Ba Lan chấp thuận.

Chi tiết về thỏa thuận sẽ được công bố bởi EU vào Chủ nhật (4/12).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết mức trần sẽ làm giảm đáng kể doanh thu của Nga.

“Nó sẽ giúp chúng tôi ổn định giá năng lượng toàn cầu, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới”, bà Von der Leyen viết trên Twitter, đồng thời cho biết thêm mức trần “có thể điều chỉnh theo thời gian” để phản ứng với diễn biến của thị trường.

Đề xuất ban đầu của G7 là mức giá trần 65- 70 đô la Mỹ/thùng mà không có cơ chế điều chỉnh. Vì dầu thô Ural của Nga đã được giao dịch thấp hơn mức này, nên Ba Lan, Lithuania và Estonia muốn đẩy giá xuống thấp hơn (khoảng 30 đô la Mỹ/thùng) để siết thu nhập của Nga.

Dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 đô la Mỹ/thùng vào thứ Sáu.

Phản ứng của Nga

Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng việc áp giá trần đối với dầu của Nga trên thực tế có nghĩa là các nguyên tắc cơ bản của thị trường tự do đang được định hình lại.

Theo các nhà ngoại giao Nga, "động thái như thế này chắc chắn sẽ dẫn đến sự thiếu ổn định, làm gia tăng chi phí cho người tiêu dùng nguyên liệu thô."

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 13/10 cho biết Mátxcơva sẽ không xuất khẩu dầu sang các nước sẽ áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

"Giá nên được quyết định theo thị trường, dựa trên sự cân bằng giữa cung và cầu", ông nói tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/10 cho biết Mátxcơva sẽ không trả tiền cho sự thịnh vượng của người khác và xuất khẩu tài nguyên năng lượng của mình cho những người áp đặt trần giá đối với Nga.

Theo Reuters, Tass