Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Rio de Janeiro đã thực hiện một chương trình nghị sự cho thấy trật tự toàn cầu đang thay đổi, nỗ lực củng cố sự đồng thuận đa phương trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền vào tháng 1 tới.
Quan điểm của các nhà lãnh đạo về thương mại, biến đổi khí hậu và an ninh quốc tế sẽ phải đối mặt với những thay đổi chính sách mạnh mẽ ở Mỹ từ năm tới. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ về hàng rào thuế quan và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G20 đã đạt được sự đồng thuận hẹp về cuộc xung đột ở Ukraine, đề cập ngắn gọn đến "sự đau khổ của con người" và hậu quả kinh tế.
Tuyên bố chung cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza", kêu gọi khẩn cấp viện trợ và bảo vệ nhiều hơn cho dân thường và tiến tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza và Li-băng.
Sau cuộc không kích lớn ở Ukraine cuối tuần qua, các nhà ngoại giao châu Âu thúc giục xem xét lại lời lẽ trong tuyên bố chung về cuộc xung đột, nhưng cuối cùng họ đã nhượng bộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự hội nghị mà cử đại diện là Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo nhất trí rằng thế giới cần đạt được thỏa thuận về mục tiêu tài chính mới với số tiền mà các nước giàu có phải cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn.
Là nước chủ nhà của thượng đỉnh G20 năm nay, Brazil mở rộng trọng tâm sang vấn đề nghèo đói cùng cực và đánh thuế công bằng đối với những người giàu nhất thế giới.