EVN đề nghị không tăng giá than cho sản xuất điện

TPO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị không tăng giá bán than cho sản xuất điện.

Theo thông tin của Tiền Phong, ngày 5/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhận được văn bản của TKV về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại than trong nước cho sản xuất điện.

Trong văn bản, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, giá than do TKV sản xuất trong nước cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện chưa được điều chỉnh từ tháng 3/2019 tới nay trong khi chi phí giá thành sản xuất hàng năm của tập đoàn đều tăng do biến động đầu vào. Theo tính toán, giá thành kế hoạch năm nay tăng so với năm 2019 12,03%.

Theo TKV, tập đoàn đã có 2 văn gửi gửi EVN và Bộ Tài chính báo cáo bổ sung về giá than trong nước bán cho các hộ sản xuất điện. Để đảm bảo cấp than cho sản xuất điện trong các tháng mùa khô (từ tháng 5-7), TKV đã tìm mọi cách để tăng cường sản xuất, cấp than vượt tiến độ theo cam kết của hợp đồng.

Để cân đối được giá thành, tài chính để đầu tư tăng năng lực, khai thác của các mỏ, TKV đề nghị EVN đồng thuận trong việc điều chỉnh mức giá bán than cho sản xuất điện.

TKV muốn tăng giá bán than cho sản xuất điện.

Về đề xuất của TKV, EVN cho rằng, năm 2022 và các tháng đầu năm nay tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu).

Mặc dù EVN và các đơn vị thành viên quyết liệt thực hiện các giải pháp nội tại, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét các phương án để giảm chi phí sản xuất, tuy nhiên do giá bán lẻ điện bình quân chưa được điều chỉnh kịp thời đã làm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng.

Vì vậy EVN đề nghị TKV xem xét không tăng giá than trong nước bán cho sản xuất điện, giá than trong nước trong phương án pha trộn với than nhập khẩu.

EVN cũng đề nghị TKV cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm nay, trong đó EVN đề nghị TKV xem xét giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện.

Giá bán than cho sản xuất điện chưa phù hợp, giá điện chưa được tính đầy đủ các chi phí trong giá thành … là những vấn đề được nêu ra tại các buổi làm việc mới đây giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng.

Về giá than cho sản xuất điện, ông Hà Văn Thắng - Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - cho biết, năm 2022, cung cấp than cho điện rất khó khăn, nhưng TKV đã cung cấp than cho điện vượt hơn nhiều so với chỉ tiêu (theo hợp đồng với EVN, PVN, các nhà máy điện khác). Do thực tế thiếu điện, đặc biệt thủy điện ở khu vực phía Bắc nguồn nước về ít nên TKV đã chủ động bằng mọi cách tăng khai thác than cho điện. 6 tháng đầu năm 2023, than cấp ngoài hợp đồng thêm khoảng 600.000 tấn để các nhà máy đủ than để chạy các tổ máy nhiệt điện, than cho điện.

Về giá than cho điện, theo ông Thắng, hiện nay chủ trương, chính sách vẫn là bao cấp một phần giá than cho điện. Theo quy định của Luật Giá mới, than được đăng ký điều chỉnh giá và chỉ cần tiến hành các thủ tục đăng ký, nhưng TKV đã nhận thức rõ việc tăng giá than cho điện sẽ ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến giá điện và trực tiếp ảnh hưởng đến chỉ số CPI và đời sống của người dân. Do vậy, hiện giá than cho điện đang thấp hơn so với bán cho các loại hình doanh nghiệp khác (bán giá thấp hơn cho xi măng, sản xuất phân bón...). Như vậy, TKV hàng năm cũng gián tiếp giảm 1.000 - 3.000 tỷ đồng giá bán than cho điện.

Về tác động của giá than với giá điện, tại cuộc họp về giá thành của EVN, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, năm 2022, EVN bị lỗ hơn 26.000 tỷ đồng do tác động tăng giá của giá than và giá điện bị giữ quá lâu.

Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, giá than trộn trong nước của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc năm 2022 đã tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so với giá than trộn bình quân từng loại của năm 2021, làm tăng chi phí của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.

Cùng đó, giá than nhập khẩu năm 2022 lên tới 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với năm trước đó. Đặc biệt, riêng thời điểm tháng 4, giá than thế giới tăng vọt lên tới 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với mức bình quân của năm 2021.