Lên núi... làm thầy
Buổi phổ cập tin học cuối cùng ở trường phổ thông dân tộc nội trú-THCS Mường Tè, gần 30 học sinh lớp 9A quây tròn thanh niên tình nguyện Tập đoàn VNPT để xin chữ ký kỷ niệm vào cuốn giáo trình được phát. Bịn rịn chia tay, vào phút cuối, các em nhất loạt: “Em chào thầy”.
Anh Phan Dương Nam (Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn cơ sở Hà Đông-Học viện Bưu chính Viễn thông) bất ngờ, bởi đại từ xưng hô “anh-em” luôn được sử dụng suốt quá trình học nay được chuyển thành “thầy”. Anh xúc động mãi mới thốt nên lời: “Các em cứ gọi anh là anh tình nguyện, anh là thanh niên tình nguyện mà...”.
Như nhiều đoàn viên khác trong đội phổ cập tin học, anh Phạm Minh Tuấn (Ủy viên BCH Đoàn Tập đoàn, Bí thư Đoàn công ty VDC) ngượng ngùng trước từ “thầy”. Các anh khiêm nhường chỉ nhận mình là thanh niên tình nguyện trong màu xanh áo Đoàn.
Nhưng từ “thầy” bất giác vang lên vào phút cuối của buổi học cho thấy vị trí các anh trong lòng học sinh nơi đây. Quả thực, hành trình mang tin học lên miền núi của đoàn viên Tập đoàn VNPT kỳ công và tâm huyết như công việc của một người thầy.
Anh Phạm Minh Tuấn, Đội trưởng Phổ cập tin học cho biết: “Tin học là chuyên môn của chúng tôi. Phổ cập tin học ở vùng sâu vùng xa không đơn thuần là mang kiến thức mình có đến với các em.
Quá trình truyền đạt phải là cộng hưởng của kiến thức và sự thấu hiểu, đồng cảm bởi học sinh miền núi có những đặc trưng riêng. Vì thế, các thành viên đội phổ cập đều tìm hiểu kỹ về văn hóa, phong tục tập quán vùng miền, đặc biệt là về đặc điểm của học sinh nơi đây để có thể hòa nhập, nắm bắt tâm lý các em, từ đó thiết kế những bài giảng phù hợp".
Anh cho biết thêm, giáo trình phổ cập tin học của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là nền tảng của các bài giảng, tùy thực tế mỗi địa phương mà các anh có sự điều chỉnh nội dung cho hợp lý.
Anh Võ Văn Vinh (đoàn viên ban IT&VAS) kể: “Trước ngày lên Mường Tè (Lai Châu), anh em trong đội tìm hiểu và được biết Mường Tè là huyện miền núi có hơn 10 dân tộc sinh sống. Điều này có nghĩa là trong một lớp học sẽ đa dạng các dân tộc. Từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi hiểu mặt bằng nhận thức của mỗi dân tộc là không giống nhau. Anh em đề ra nhiều phương án giảng dạy trong mọi trường hợp”.
Giáo án phổ cập tin học vẫn tiếp tục được các anh hoàn thiện trong quá trình cọ xát thực tế. Trước ngày học đầu tiên, các thành viên trong đội dành một buổi tiền trạm: kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, trò chuyện cùng các em học sinh nhằm tạo sự gần gũi, tìm hiểu xem kiến thức tin học của các em đang ở mức nào để điều chỉnh giáo án.
Anh Phạm Thành Sơn (Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn VTN, Đội phó Phổ cập tin học) cho biết: “Về tin học văn phòng thì cơ bản các em học sinh ở đây đều nắm được, yếu nhất là các kỹ năng truy cập, sử dụng internet. Vì thế, thời lượng mỗi buổi dạy, ngoài củng cố kiến thức về tin học văn phòng, chúng tôi tập trung vào các vấn đề internet”.
Sau mỗi buổi học, các thành viên trong đội đều dành thời gian thăm dò ý kiến học sinh về buổi học để rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho buổi tiếp theo tốt hơn.
Anh Phan Dương Nam cho biết, không chỉ chuẩn bị về kiến thức, anh còn chuẩn bị kỹ về kỹ năng thuyết trình, ngôn ngữ cơ thể để tự tin đứng lớp. Anh sưu tầm cả những câu chuyện vui, những trò chơi tập thể thú vị để khuấy đảo không khí buổi học.
Những người truyền lửa
Tâm huyết trong từng bài giảng, tận tình hướng dẫn học sinh thực hành trên máy, đoàn viên thanh niên VNPT là người truyền lửa cho học sinh nơi đây.
Lý Văn Xà (dân tộc Cống) kể, máy tính là vật rất lạ lẫm với bà con ở bản em. Em tự hào vì dưới sự hướng dẫn của các anh chị tình nguyện, em biết khai thác nhiều tính năng của máy.
“Em còn ba đứa em nữa. Mỗi lần có dịp về thăm nhà em lại kể về máy tính cho các em nghe. Các em háo hức lắm, luôn mong được học lên cao để được sử dụng máy. Em sẽ học tin học thật giỏi như các anh tình nguyện để hướng dẫn các em”.
Nhìn Vàng A Mênh sử dụng chuột và bàn phím đủ biết sự thành thạo của cậu. Chàng học sinh người Mông mơ ước trở thành bác sĩ nhưng quá trình tiếp xúc với đoàn viên của Tập đoàn VNPT, ước mơ ấy đang lung lay: “Em vẫn muốn trở thành bác sĩ nhưng giờ em muốn trở thành cả chuyên gia về máy tính nữa”.
Với Lý Hà Mơ (dân tộc Hà Nhì), máy tính và internet đã mở ra trước mắt em một thế giới rộng lớn. Cô học sinh nhỏ biết nhiều hơn về cuộc sống con người dưới xuôi và từ đó ý thức rằng quê hương mình còn nhiều khó khăn.
Em càng có động lực học thật giỏi để thoát nghèo, thoát khổ: “Em sẽ học thật giỏi, trở thành người thành đạt, góp phần xây dựng quê hương. Em sẽ học đại học dưới Hà Nội để được gặp lại các anh chị tình nguyện. Em cũng sẽ khoác áo xanh tình nguyện đi đến mọi miền Tổ quốc giúp đỡ mọi người”.
Tống Thị Tình (dân tộc Thái) mơ ước trở thành nữ chiến sĩ công an. Dưới sự hướng dẫn của các anh chị tình nguyện, em đã biết sử dụng máy tính để tìm hiểu thông tin về ngành này. Cô bé truy cập vào trang web các trường an ninh tìm hiểu về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện dự tuyển. Năm nay Tình học lớp 9, còn 3 năm nữa em mới đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn sự nghiệp. Nhưng chẳng bao giờ là quá sớm để bắt đầu một ước mơ đẹp.
Bịn rịn chia tay, vào phút cuối, các em nhất loạt: “Em chào thầy”. Anh Phan Dương Nam (Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn cơ sở Hà Đông-Học viện Bưu chính Viễn thông) bất ngờ, bởi đại từ xưng hô “anh-em” luôn được sử dụng suốt quá trình học nay được chuyển thành “thầy”. Anh xúc động mãi mới thốt nên lời: “Các em cứ gọi anh là anh tình nguyện, anh là thanh niên tình nguyện mà...”