Ê mặt vì cứ cười là… són tiểu

Mấy tháng nay, cứ mỗi lần cười, ho, vận động mạnh, thậm chí bước lên cầu thang thôi là chị L H.N (35 tuổi, ở phường 3, quận Tân Bình, TPHCM) lại… són tiểu. Chị H.N chủ quan, vẫn nghĩ “không có gì là nghiêm trọng” nhưng đến khi ở vùng “kín” xuất hiện một khối nhỏ thì chị mới tá hỏa tới bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết, chị bị sa tạng vùng chậu.
Ảnh minh họa: Internet

Cứ cười, hắt xì là… rò rỉ

Có mặt trước cửa phòng khám, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), chị H.N kể: “Tôi lập gia đình muộn, sau khi sinh cháu út, thỉnh thoảng tôi cảm thấy đau tức vùng bụng dưới, đau ở lưng”.

Chị H.N ghé tai tôi nói nhỏ: “Khổ nhất là khi vận động mạnh, ho, thậm chí cười to là… tôi lại són tiểu. Lúc đầu nghĩ không sao, lại bận bịu chăm 3 đứa nhỏ đang nghỉ hè nên tôi càng ngại đi khám. Khi phát hiện bất thường ở “vùng kín”, đi khám thì bác sĩ cho biết tôi bị sa tạng vùng chậu”.

Kế bên chị H.N, sổ khám bệnh của chị T.L (40 tuổi, ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM) cũng ghi chị bị sa tạng vùng chậu. Chị T.L kể, đi làm trở lại sau khi sinh tới một năm, tôi vẫn có cảm giác nặng trình trịch ở bụng dưới, cảm giác này giống như hồi thanh niên mỗi lần chuẩn bị “đèn đỏ”. Tôi đi tiểu nhiều, có đêm tới vài lần như thời kỳ đầu mang thai 3 đứa nhỏ. Bực nhất là cứ vận động mạnh, thậm chí hắt xì thôi, tôi lại “rò rỉ” ít nước tiểu. Mỗi ngày tôi phải thay quần “chíp” vài lần. Có lúc tôi còn nghĩ, chả lẽ lại “ đóng bỉm như trẻ con”, chị T.L bày tỏ về “nỗi khổ không giống ai”. Đã thế, mỗi lần “gần gũi” chồng, chị mất hết hưng phấn, thay vào đó là cảm giác đau, tức. Tình trạng kéo dài không chịu nổi, chị đi khám mới biết mình bị sa âm đạo và sa bàng quang. Các bác sĩ phải thông ống tiểu cho chị.

Theo BSCK2 Nguyễn Thị Vĩnh Thành - Phòng khám (Bệnh viện Từ Dũ), sàn chậu được ví như một cái võng hình thành từ nhiều khối cơ đan xen nhau. Sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống: Hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống mạch máu và thần kinh. Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động. Ngoài ra, sàn chậu còn giúp đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh đẻ dễ dàng hơn. Ba hệ thống này hoạt động hài hòa nhịp nhàng với nhau, hệ thống này “nhường nhịn” hệ thống kia theo sự điều khiển chủ động của con người.

Sinh nhiều con, nguy cơ bị sa vùng chậu cao

Nguyên nhân của việc rối loạn chức năng sàn chậu và sa cơ quan vùng chậu là do theo thời gian, các bó cơ nằm ngang phần bụng dưới bị yếu và nhão. Tử cung có thể bị sa, kéo theo bàng quang hay ruột cũng bị sa xuống. Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến căn bệnh này còn do nhiều phụ nữ đẻ quá sớm, đẻ dày, không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn không được khâu lại hoặc do thiếu nội tiết tố nữ estrogen, tăng áp lực ổ bụng lâu ngày do táo bón kinh niên... Các chuyên gia sản khoa chia sẻ: Mỗi lần phụ nữ mang thai là một lần gây nên tình trạng gây tăng áp lực ổ bụng. Do đó việc sinh nhiều lần sẽ khiến vùng cơ ở bụng dưới bị tác động, nếu không hồi phục tốt sẽ dẫn đến sa vùng chậu.

Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, trên 70% bệnh nhân bị sa tạng vùng chậu sinh con trên 3 lần. Còn tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ), gần 80% bệnh nhân bị sa tạng vùng chậu sinh con trên 3 lần. Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ đã từng mang thai và sinh đẻ thì có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu, trong đó cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên (sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng). Một khảo sát nhỏ của Khoa Nội soi (Bệnh viện Từ Dũ) cho thấy, 90,2% bệnh nhân bị sa bàng quang, 59,8% bị sa tử cung, 30% bị sa trực tràng.

Những phụ nữ bị sa tạng vùng chậu thường gặp rối loạn chức năng bài tiết, tiêu hóa hay tình dục: Tiểu không kiểm soát, tiểu nhiều lần, bí tiểu, tiểu són khi gắng sức, nhiễm trùng tiểu, đau lưng, táo bón, viêm nhiễm cổ tử cung, thậm chí đau đớn khi giao hợp, xuất huyết sau khi “gần gũi”…

Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, mặc dù sa sinh dục, sa vùng chậu là tình trạng khó tránh khỏi nhưng vẫn có thể phòng ngừa được. Cụ thể, khi mang thai, sau khi sinh, phụ nữ nên đi lại nhẹ nhàng, không làm việc gắng sức hoặc mang vác nặng, tập thể dục vùng sàn chậu, giúp cho các cơ nơi này săn chắc lại. Ngoài ra, phụ nữ nên tránh đứng lâu, cân nặng cũng phải được kiểm soát tốt để tránh các tác động lên hệ xương, đặc biệt là vùng xương chậu.

Tuy nhiên, sự “tế nhị” của căn bệnh này còn khiến chị em mặc cảm, khó mở lời với người thân, bác sĩ. Trong khi đó nếu mô tả đúng, sớm, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Riêng với những người có bệnh lý như táo bón kinh niên hoặc ho kéo dài, cần phải điều trị dứt điểm.

Theo các bác sĩ, trước đây việc điều trị cho những bệnh nhân bị sa vùng chậu thường dùng phương pháp vật lý trị liệu tập cơ sàn chậu, kích thích điện cơ (đối với bệnh nhân nhẹ) hoặc phẫu thuật cắt tử cung ngả âm đạo để điều trị sa tử cung hoặc khâu treo bàng quang (đối với bệnh nhân nặng). Tuy nhiên, phương pháp này trên thực tế kém hiệu quả vì tỷ lệ tái phát bệnh trên 30%. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, các bác sĩ có thể phẫu thuật sử dụng mảnh ghép tổng hợp polypropylene để phục hồi sàn chậu cho bệnh nhân.

Những biểu hiện không nên chủ quan

- Đường tiểu: Són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng; Không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu; Tiểu đêm trên 1 lần; Tăng hay giảm cảm giác mắc tiểu, tiểu lắt nhắt trên 8 lần/ngày; Tiểu khó; Cảm giác đi tiểu không hết.

- Đi tiêu: Táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống.

- Đường sinh dục: Sa tử cung; Sa bàng quang; Sa trực tràng, ruột.

- Rối loạn tình dục: Giao hợp đau; Giảm cảm giác; Cảm giác “cửa mình” rộng.

- Đau vùng chậu mãn tính: Đau vùng thắt lưng chậu; Đau vùng bụng dưới, vùng “cửa mình”.

Theo Theo Giadinh.net