Đặng Tiến:

Duyên Báo trong tranh

TP - Trong làng báo Việt Nam, có không ít nhà báo cầm cọ nhưng thành danh, tranh “ăn khách” phải kể đến Đặng Tiến, họa sĩ đất Cảng. Không gắn bó với làm báo chuyên nghiệp đến ngày cầm sổ hưu nhưng Đặng Tiến cũng đã dành phần đời nhiệt huyết, gần 30 năm, cho nghề báo. Mấy năm nay Đặng Tiến chuyên thú vẽ tranh song vẫn tiếp tục cộng tác với báo chí trong nước bằng mảng vẽ minh họa. Tranh minh họa trên báo chí cũng là một phần đáng nói trong gia tài hội họa của anh.

Làm báo chuyên nghiệp trước khi nổi danh trong họa

Tôi biết Đặng Tiến qua tranh từ lâu nhưng quan hệ ngoài đời lại bắt đầu từ công việc làm báo. Báo Hải Phòng là “ngôi nhà” Đặng Tiến gắn bó mấy chục năm, bắt đầu từ công việc của họa sĩ trình bày, sau là thư ký toà soạn. Dù đã nghỉ việc ở Báo Hải Phòng để chuyên tâm vẽ tranh và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, Đặng Tiến vẫn quan tâm tới “ngôi nhà” xưa. Tờ Hải Phòng Cuối tuần có một chuyên mục khá đặc biệt mang tên “Sắc màu nghệ thuật”, giới thiệu chủ yếu hội họa Việt, từ tác giả đến tác phẩm. Bài viết yêu cầu ngắn gọn và sinh động. Người khai sinh và duy trì chuyên mục ấy không ai khác chính là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, họa sĩ Đặng Tiến. Lúc đó, anh đang tìm thêm cộng tác viên cho chuyên mục. Thông qua lời giới thiệu của họa sĩ Đào Hải Phong, Đặng Tiến mời tôi cộng tác với “Sắc màu nghệ thuật”. Vốn yêu thích hội họa Việt nên tôi vui vẻ nhận lời, từ ấy tôi biết Đặng Tiến ở ngoài đời.

Minh họa trên báo của Đặng Tiến

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở thành phố Hồ Chí Minh, báo Tiền Phong mở cuộc đấu giá tranh trực tuyến để ủng hộ những hoàn cảnh thiệt thòi trong bão dịch, đặc biệt là trẻ em. Tôi mời Đặng Tiến tham gia cuộc đấu giá tranh thiện nguyện này. Không đắn đo hay nhiều lời, Đặng Tiến lập tức đồng ý và chuyển cho cuộc đấu giá tranh trực tuyến một bức tĩnh vật với chất liệu sơn dầu trên toan. Ngoài vẽ phong cảnh thì vẽ hoa là một “đặc sản” của Đặng Tiến. Cho nên, Đào Hải Phong mới nói: “Đặng Tiến vẽ hoa đẹp như người đàn bà yêu hoa cắm hoa cho chính mình”.

Đặng Tiến đã và đang là một trong những họa sĩ ăn khách hiện nay, tranh của anh rất được lòng các nhà sưu tập chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước. Việc anh tham gia đấu giá tranh trực tuyến do báo Tiền Phong tổ chức không phải để “lăng xê” tên tuổi, cũng không tìm kiếm điều gì. Anh và các họa sĩ tên tuổi tham gia hoạt động thiện nguyện này vì muốn san sẻ với những phận đời khó khăn trong đại dịch. Lần đầu tiên, Tiền Phong mở đấu giá tranh trực tuyến nên phải dò từng bước, đầy bỡ ngỡ. Ít ai biết, chính họa sĩ đất Cảng là người lặng thầm đằng sau cuộc đấu giá. Anh tư vấn xây dựng thể lệ, phương thức đấu giá tranh trực tuyến, thậm chí giúp cả cách giới thiệu tác giả, tác phẩm, sao cho vừa vặn, không mắc “bệnh” tụng ca quá đà, giữ được tinh thần khách quan với mỗi tác giả, tác phẩm. Kết quả, cuộc đấu giá thành công như mong đợi. Nỗi đau của bao trẻ em trong đại dịch được xoa dịu phần nào là món quà lớn nhất với các họa sĩ giàu lòng trắc ẩn.

Tranh của Đặng Tiến (thuộc sở hữu của NST Nguyễn Thiều Quang)

Bây giờ, đời sống vật chất của những họa sĩ thành danh như Đặng Tiến là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng trong quá khứ anh cũng từng trải qua những năm tháng chật vật với áo cơm. Đặng Tiến sinh năm 1963, mồ côi cha khi mới 13 tuổi. Tình yêu hội họa của anh được thừa hưởng từ người cha gốc Quảng Nam, một cán bộ ngành đường sắt tập kết ra Bắc. Yêu hội họa nhưng anh không dám thi vào trường mỹ thuật vì thương gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên vai người mẹ goá bụa. Thế là Đặng Tiến quyết định ở lại Hải Phòng. Ngoài thời gian giúp mẹ mưu sinh, anh lại lao vào hội họa, dù chẳng biết hội họa sẽ đưa anh về đâu? Anh được chú ý khi vẽ tranh cho một bộ phim đèn chiếu. Bộ phim này được mang đi dự thi Liên hoan phim đèn chiếu toàn quốc, nhận về giải Vàng. Một số nơi sẵn sàng nhận Đặng Tiến về làm việc nhưng anh chọn Báo Hải Phòng vì không muốn xa hội hoạ. Anh bắt đầu bằng công việc vẽ minh họa, trình bày báo.

Một trong những hoạ sĩ vẽ minh hoạ đẹp

Nghề báo không làm tranh Đặng Tiến khô, trái lại càng thêm tình. Bởi trải nghiệm từ hiện thực cuộc sống làm giàu có tâm hồn anh. Cố nhà văn Nam Cao từng bày tỏ quan điểm nghệ thuật, rằng, “người cầm bút chân chính phải đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của cuộc đời”… Họa sĩ cũng nên mở hồn như thế! Đặng Tiến chưa bao giờ khoe mình chăm chỉ nhưng những “đứa con tinh thần” của anh đã tiết lộ điều ấy! Anh khá chăm “xê dịch”. Phong cảnh trong tranh anh chủ yếu là phong cảnh nước Việt tươi đẹp, từ miền núi đến miền Tây và dừng lâu ở Hải Phòng với mùa hoa phượng, với rặng phi lao, đặc biệt là Tam Bạc của miền hoài niệm… Tranh Đặng Tiến dễ lay động người xem bởi xúc cảm dồi dào, giàu chất thơ, bảng lảng nỗi cô đơn vạn thuở của kiếp người. Đang thời tranh ăn khách nhưng Đặng Tiến lại dành thời gian không nhỏ để làm thứ ít ra tiền, vẽ tranh minh họa cho các báo, từ báo Hải Phòng nơi anh gắn bó, đến Báo Văn Nghệ, Báo Nhân Dân… Minh họa của anh cũng từng xuất hiện trên giai phẩm Xuân của báo Tiền Phong.

Chân dung nhà báo, họa sĩ Đặng Tiến

Nhà thơ Lương Ngọc An, người từng có thời gian dài giữ vai trò “bếp núc” ở Báo Văn Nghệ, tờ báo vốn coi minh họa như một thứ “đặc sản”, đánh giá: “Đặng Tiến là một trong số không nhiều những họa sĩ vẽ minh họa trên báo chí đẹp nhất hiện nay. Trước đây các danh họa như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Văn Cao… đều từng là những họa sĩ vẽ minh họa ở mức đỉnh cao, làm nên một giá trị thẩm mĩ khác biệt cho thể loại này. Nó là một cách thể hiện khác của văn học, là linh hồn của tác phẩm thể hiện qua những chấm phá của hình ảnh mà tác phẩm này không thể thay thế bằng tác phẩm khác được. Bây giờ minh họa văn chương vẫn nhiều tác phẩm đẹp, song dường như có xu hướng “nghệ thuật hoá” những minh họa khiến nó trở thành một tác phẩm hội họa đẹp nhưng lại không lột tả hết được linh hồn tác phẩm. Nhà văn và họa sĩ song hành bên nhau dường như vẫn có gì gượng gạo… Chẳng biết tôi có phải người hoài cổ không nhưng tôi vẫn thích kiểu minh họa mà Đặng Tiến đang vẽ”.

Có người đùa họa sĩ đất Cảng trên trang cá nhân của anh, khi anh khoe vài minh họa mới: “Tiền nhiều để làm gì?”. Chỉ thấy họa sĩ thả mặt cười. Vẽ minh họa tuy thù lao bọt bèo (so với việc bán tranh) nhưng lại là một trải nghiệm khác của họa sĩ. Hơn nữa, nó còn giúp anh giữ nhịp cầu với báo chí - một nghề đã gắn bó cả phần đời sôi nổi dễ gì có thể quên trong một sớm, một chiều?

Về miền yên tĩnh

Đặng Tiến đông bạn, bạn trong giới, bạn ngoài giới. Triển lãm cá nhân của anh mấy năm trước được họa sĩ Đặng Xuân Hoà tặng cái tên ý nghĩa: “Tôi và thời gian”.

Ở vị trí Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng anh mở cửa đón anh tài hội họa khắp cả nước về Hải Phòng tham gia trại sáng tác, tham gia triển lãm hoặc giao lưu giữa các đồng nghiệp. Anh còn khuyến khích và chỉ điểm giúp những nhà sưu tập trong thành phố sở hữu những tác phẩm hội họa giá trị của nhiều tác giả trong nước. Đặng Tiến mong muốn, nhắc đến Hải Phòng còn là nhắc đến sự giàu có về văn hoá, trong đó có hội họa.

Sau những ồn ào của cuộc sống, họa sĩ thích ở ẩn tại miền yên tĩnh của riêng anh. Ở đó có tiếng ếch kêu, có hoa sen, hoa dại nở, có trái chín trên cây… Cũng ở đó, Đặng Tiến đã thai nghén những tác phẩm hội họa nồng nàn hơi thở Việt.