Theo VNR, tổng công ty này lỗ chủ yếu do tác động của dịch COVID-19, phải điều chỉnh hoạt động chạy tàu để phục vụ dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM trị giá 7.000 tỷ đồng.
Trong tổng số lỗ gần 1.400 tỷ đồng dự kiến trong năm 2020, số lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến lỗ 711 tỷ đồng; xử lý tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang của Công ty mẹ, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng dự kiến hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 hơn 682 tỷ đồng. Cùng với đó là các chi phí như vẫn phải đảm bảo lương cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước…
Trong số lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, riêng lỗ từ 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nôi và Sài Gòn (VNR là cổ đông chi phối) dự kiến lỗ hơn 618 tỷ đồng.
Công ty mẹ - VNR dự kiến lỗ 168 tỷ đồng.
Riêng khối 20 công ty cổ phần đường sắt và 3 công ty cổ phần cơ khí đóng tàu lãi gần 75 tỷ đồng.
Về các khoản xử lý tài chính tồn tại từ năm trước chuyển sang và chi trả các chi phí dự phòng, chi phí khác… có các khoản chi lớn như: trả tiền thuê đất 341 tỷ đồng, đầu tư tài chính vào công ty con lỗ 120 tỷ đồng, dự phòng phải thu khó đòi 108 tỷ đồng…
Ngoài ra còn có chi phí khấu hao, hao mòn tài sản theo qui định phải hạch toán vào chi phí nhưng chưa có nguồn thu bù đắp, tổng gần 59 tỷ đồng.
Về đầu tư, ngoài các dự án đầu tư công về cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, VNR còn dự kiến đầu tư hơn 602 tỷ đồng cho đầu tư phương tiện, lắp ráp đầu máy. Đồng thời, dự kiến huy động thêm 414 tỷ đồng từ nhà đầu tư cho dự án đóng mới toa xe.
Trước đó, kết thúc năm tài chính 2019, VNR đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 180 tỷ đồng.