> Nhiều tiếng nói chân chính từ Trung Quốc
> Trung Quốc bối rối trước tấm bản đồ cổ
Ông Tiết Lý Thái, cựu chủ biên tờ Minh Báo, hiện đang là nghiên cứu viên Trung tâm An ninh và hợp tác quốc tế Đại học Stanford (Mỹ), cũng là người giữ chuyên mục “Tiết Lý Thái tung luận xuân thu” (Tiết Lý Thái bàn về thời cuộc) trên Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hongkong).
Mặc dù là người có quan điểm gần với chính quyền Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng trong buổi đăng đàn hôm 30-7, ông cũng phải nhìn nhận: gần đây, tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, người khắp nơi nêu lên một số câu hỏi, yêu cầu ông trả lời, trong đó hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất là: “Thứ nhất, Công ước LHQ về luật biển 1982 là cơ sở để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Nam Hải (Biển Đông).
Là một quốc gia đã ký Công ước, nhưng Trung Quốc lại liên tục có những hành vi xâm phạm như thành lập thành phố Tam Sa, công khai gọi thầu khai thác các lô dầu khi nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Vấn đề thứ hai, theo ông có khả năng hai nước Trung, Việt xảy ra xung đột vũ trang ở Nam Hải không? Hai bên cần áp dụng biện pháp gì để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình?”.
Trong bài viết hôm 20-7 trước đó, ông Tiết Lý Thái thừa nhận việc Trung Quốc gọi thầu quốc tế 9 lô dầu khi nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến tình hình ngày càng xấu đi, thậm chí có thể xảy ra xung đột vũ trang.
Mặc dù là người ngả theo quan điểm của Bắc Kinh, ông Tiết cũng buộc phải viết: “Trong cuộc chiến về pháp luật, căn cứ chủ yếu về luật quốc tế của Trung Quốc có lẽ chỉ là Đường 9 đoạn mà thôi”.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Việc Trung Quốc giải thích về đường 9 đoạn như là đường quốc giới trên biển của mình, muốn được cộng đồng quốc tế công nhận, thật không dễ.
Trước hết, từ khi chính phủ Dân quốc vẽ ra đường 11 đoạn lên bản đồ của mình, Trung Quốc chưa hề phân định ranh giới trên biển với các nước láng giềng, cũng chưa hề được quốc tế công nhận.
Về mặt pháp lý quốc tế, chưa hề đưa ra được lời giải thích cặn kẽ. Nói một cách nghiêm túc, nếu bảo là tự mình nói cho mình cũng không có gì là quá.
Tiếp nữa, cho đến nay, Trung Quốc cũng vẫn chưa nói rõ đường 9 đoạn rốt cục là đường quốc giới đứt đoạn hay là đường cương giới truyền thống, thậm chí một định nghĩa về nó cũng chưa có; cũng chẳng có kinh, vĩ độ cụ thể về mặt địa lý, chỉ là vẽ đại một đường đứt đoạn trên bản đồ mà thôi.
Lại nữa, Bắc Kinh nhấn mạnh đường 11 đoạn ban đầu do chính phủ Dân quốc vẽ ra trên bản đồ là đường biên giới quốc gia thiêng liêng không thể xâm phạm; thì đối phương có thể sẽ chất vấn: thế thì tại sao sau khi nước Trung Quốc mới ra đời, Bắc Kinh lại tự mình xoá đi 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ để lấy lòng Việt Nam? Lẽ nào lại có thể tuỳ tiện sửa chữa biên giới quốc gia như một trò đùa như thế?...”.
Tiết Lý Thái cho rằng: “từ nay về sau, khi tranh chấp chủ quyền được nêu lên (Trung Quốc) làm thế nào để thuyết phục cộng đồng quốc tế phá bỏ quan niệm cố hữu về luật quốc tế cùng hiện thực về quyền quản lý thực tế và chấp nhận sự giải thích của Trung Quốc đây?”.
Ông ta hô hào: “Hiện nay, những người sử dụng internet tuỳ tiện phát ngôn trên mạng ảo những lời lẽ “diệt Việt Nam, công Nhật Bản, chiến Mỹ quốc”.
Sau khi thư giãn trong thế giới ảo, xin hãy quay trở lại với thế giới hiện thực. Cuộc chiến pháp luật Trung - Việt đã sắp diễn ra đến nơi, cấp bách lắm rồi, thời gian không đợi ta nữa. Đã đến lúc các quan chức, chuyên gia, học giả phải bỏ công sức, tìm cách làm thế nào để xuất phát từ pháp lý quốc tế và hiện thực chính trị quốc tế, đối mặt với những tình huống có thể xuất hiện, nghiên cứu cho kỹ để tìm ra được những lý lẽ có thể thuyết phục được một chút”.
Phía Trung Quốc đang vội vã tìm cách đối phó với một cuộc đấu tranh về pháp lý trên trường quốc tế mà không thể có cơ may giành phần thắng.