Được mùa ngô vẫn buồn

TP - Tháng 9 là thời kỳ cao điểm thu hoạch ngô ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cùng với niềm vui được mùa, bà con trồng ngô lại gặp khó khăn vì giá cả, vì lãi suất vay cao tích từ năm này qua năm khác.

“Cắm” trước, trả sau

Người dân trồng ngô ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Vào đầu vụ gieo trồng họ thường phải vay mượn, để mua giống, phân bón, gạo phục vụ sản xuất.

“Năm nào đầu vụ, nhà tôi chẳng phải cắm. Được hơn 8 tấn ngô thu hoạch đầu vụ bán với giá 4.200đồng/kg, giờ giá ngô tăng lên 5.000 đồng lại chẳng còn gì mà bán. Bán xong ngô cũng không đủ trả khoản nợ mua giống, phân bón. Nhà tôi đang nợ hơn 10 triệu đồng, sắp đến hạn phải trả mà không biết lấy đâu. Hai vợ chồng làm quần quật quanh năm mà vẫn cứ nghèo thế này” anh Hà Văn Hanh, Bản Hoa I nói.

Nhiều hộ vì đói nghèo, không đủ ăn đã phải “cắm” ngô giống, phân bón trả lãi cao cho các chủ thu mua ngô. Họ còn phải “cắm” trước gạo, ở các quán tạp hóa. Khi bán ngô, trả nợ vẫn không đủ. Nợ năm này kéo qua năm khác, lãi mẹ đẻ lãi con, có những nhà phải nộp cả ruộng ngô hạt thu được. Có nhà mất luôn cả đất trồng ngô.

Bà Nguyễn Thị Đức, chủ Cty TNHH Phương Đức, Tiểu khu 12, xã Tân Lập vừa tính tiền lãi ngô sấy gửi kho cho một người đàn ông, cho biết: “Những ai không có tiền mặt mua giống và phân bón đầu vụ, chúng tôi cho chịu đến cuối vụ bán ngô trả lãi 2%. Chúng tôi chủ yếu giúp bà con, đến mùa họ lại bán ngô cho mình”.

Tuy sản lượng ngô ở các xã liên tục tăng, nhưng vì vòng luẩn quẩn “cắm trước, trả sau” năm này qua năm khác nên đời sống của bà con trồng ngô không khá lên được.

Do khó vay vốn ngân hàng nên không ít hộ gia đình đầu vụ trồng ngô thường phải mua chịu giống và phân bón của các tiểu thương (chủ lò sấy thu mua ngô) với lãi suất cao (2% - 3%/tháng). Đến lúc thu hoạch, tiểu thương thường đến tận nhà dân vừa mua ngô, vừa trừ nợ. Do đó, sau khi trừ giống, phân bón, tiền thuê bẻ ngô, nhiều nhất một gia đình cũng chỉ thu về 30 % số tiền ngô bán được, thậm chí có hộ trắng tay.

Có gia đình thu hoạch được 10 tấn ngô trừ chi phí cả lãi vay chỉ đủ tiền mua 1 tấn gạo.

Những xã như Tân Hợp, Song Khủa, Liên Hòa, Hua Păng, Mường Tè… tuy trồng được cả ngô vụ thu đông nhưng đường sá đi lại rất khó khăn nên mỗi vùng ngô trở thành những “sân nhà” cho một số đầu nậu.

Không can thiệp sâu được

Ông Lèo Văn Pâng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho hay: “Nguyên nhân là bà con không biết quan hệ thôi. Nếu biết liên hệ với các chi hội để được cung ứng ngô, phân bón thì khó khăn sẽ được giải quyết!”.

Ông Trần Đức Hiển, Phó phòng NN&PTNT Mộc Châu cho biết: Hằng năm, tỉnh và huyện đã hỗ trợ ngô giống cho các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh theo chương trình 135 giai đoạn II. Còn vấn đề dân mua ngô giống, phân bón đầu vụ bị các tiểu thương tính lãi suất cao thế nào là do hai bên thỏa thuận, chúng tôi cũng không can thiệp sâu được.

Ngô là cây trồng có hạt chủ yếu của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Người trồng ngô vùng sâu vùng xa ở huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung rất khó tiếp cận được với các nguồn vốn dành cho người nghèo vay với lãi suất thấp. Vì thế, được mùa ngô mà họ vẫn không vui.

Theo Báo giấy