Sự việc chưa tạm lắng, lại có thông tin Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) ra thông báo không tiếp nhận học sinh vào lớp nếu phụ huynh chưa đóng học phí sau thời hạn quy định.
Theo giải thích từ các đơn vị giáo dục, thì đây là cách làm “cực chẳng đã” sau khi đã nhiều lần nhắc nhở người học, đồng thời đã công khai trong các quy định riêng của nhà trường từ đầu năm học.
Đứng ở góc độ kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường, cơ sở giáo dục đã làm đúng. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có ý kiến rằng các quyết định ấy xem ra “quá nghiêm khắc”.
Trong ngành giáo dục thời gian trước đây đã từng xảy ra nhiều trường hợp tương tự, đơn cử như cơ sở giáo dục ngừng cung cấp dịch vụ đối với học sinh do phụ huynh có lời lẽ thiếu tôn trọng nhà trường trên mạng xã hội.
Thậm chí, một trường THCS công lập ở Hà Nội còn bị phụ huynh tố từ chối tiếp nhận học sinh có học lực yếu. Ban giám hiệu nhà trường khi giải trình với cấp trên cũng thừa nhận có tổ chức những buổi gặp gỡ riêng với phụ huynh các học sinh yếu để thông báo tình hình học tập của con em, đồng thời tư vấn cho phụ huynh tìm môi trường học tập phù hợp hơn với các cháu.
Nhìn lại các quy tắc ứng xử văn hóa ở trường học, buộc thôi học được xem là hình thức xử lý cuối cùng khi người học và đơn vị cung cấp không tìm được tiếng nói chung.
Trong đó, nhà trường có quyền từ chối cung cấp dịch vụ khi phía người học mắc các lỗi hành vi không được phép đã được quy định trước đó trong nội quy trường học.
Tuy nhiên, giáo dục từ lâu được xem là một loại hình dịch vụ đặc biệt, nên từ cả 2 phía chủ thể là người học và đơn vị cung cấp đáng lẽ ra cũng cần hành xử “đặc biệt”.
Mặt khác, theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS được Nhà nước phổ cập bắt buộc, trường công lập có trách nhiệm thực hiện phổ cập trong phạm vi địa bàn được phân công phụ trách. Do đó, việc các trường tự ý ra quyết định đình chỉ đối với người học, dù đúng luật, vẫn có thể gây nên những phản ứng trong xã hội, cho rằng chính các trường chưa hoàn thành “trách nhiệm” của mình.
Để các quy định trong nhà trường là “mệnh lệnh”, được thực thi hiệu quả hơn, điều cần là các trường nên tăng cường kết nối nhiều hơn với phụ huynh, giải quyết mọi mâu thuẫn nếu có trên cơ sở không làm ảnh hưởng quyền lợi của người học.
Đặc biệt, đối với các đối tượng học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên chủ nhiệm cần chủ động tìm hiểu hoàn cảnh, có biện pháp giáo dục và xử lý kịp thời. Tuyệt đối không quá máy móc áp dụng các quy tắc ứng xử chung của đơn vị.
Hiện nay, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” do Bộ GD-ĐT chủ trì đã được Chính phủ phê duyệt. Đề án đặc biệt nhấn mạnh đến việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử ở các cấp học, đồng thời quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong mối quan hệ ứng xử giữa các chủ thể trong nhà trường thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử...
Khi đưa đề án vào thực tế, vai trò chủ động của các trường cũng hết sức quan trọng. Quy tắc ứng xử chỉ là công cụ, tình yêu thương, sự tôn trọng mới là đòn bẩy giúp giáo dục đạt hiệu quả.