Trẻ được dùng kháng sinh càng sớm và càng nhiều thì nguy cơ mắc các bệnh viêm ruột (như bệnh Crohn và viêm đại tràng thể loét) càng cao.
Các nghiên cứu trước đã thấy mối liên quan giữa bệnh đường ruột và việc sử dụng kháng sinh, nhưng phần lớn những nghiên cứu này còn nhiều hạn chế.
Kết quả cho thấy 64% số trẻ đã dùng một số loại kháng sinh ít nhất 1 lần và khoảng 58% đã dùng kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí. Kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí bao gồm penicillin, amoxicillin, tetracyclin, metronidazol, cefoxitin và các thuốc khác.
Trong thời gian theo dõi, gần 750 trẻ đã bị bệnh Crohn hoặc viêm đại tràng thể loét. Các triệu chứng hay gặp bao gồm đau bụng, tiêu chảy và sụt cân. Nguy cơ này ở những trẻ dùng kháng sinh trước 1 tuổi cao hơn gấp 5 lần so với ở trẻ không dùng kháng sinh, nhưng nguy cơ giảm rõ rệt theo tuổi.
Tiến sĩ Matt Kronman, phó giáo sư các bệnh truyền nhiễm nhi khoa của Trường Y thuộc Đại học Washington tại Seattle, cho biết: mặc dù tăng 84% nguy cơ mắc các bệnh đường ruột ở những trẻ đã dùng kháng sinh, nhưng nguy cơ thực sự vẫn là rất thấp.
Ở Mỹ, khoảng 49 triệu đơn thuốc kháng sinh nhi khoa được kê mỗi năm, gần một nửa số chúng là penicillin. Các tác giả cho biết những đơn thuốc này liên quan với 1.700 trường hợp mắc bệnh ruột kích thích thêm vào mỗi năm.
Chúng ta đều biết rằng kháng sinh làm thay đổi môi trường vi khuẩn tự nhiên trong đường ruột, và Kronman nghi ngờ rằng điều này có thể gây viêm. Các bệnh đường ruột đều có biểu hiện viêm ruột mạn tính. Kronman nghi ngờ kháng sinh kháng vi khuẩn kỵ khí làm tăng nguy cơ này và phần lớn vi khuẩn trong đường ruột là vi khuẩn kỵ khí. Tuy nhiên, không thấy mối liên quan giữa tetracyclin (một kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí) và bệnh đường ruột.
Tác giả cho biết chỉ nên dùng kháng sinh cho trẻ em khi thật cần thiết. Cha mẹ nên cân nhắc hỏi bác sĩ để chọn một kháng sinh đích nhắm vào phổ vi khuẩn hẹp hơn và nên báo cho bác sĩ nếu họ có tiền sử gia đình mắc bệnh Crohn hoặc viêm đại tràng thể loét.
Nghiên cứu này được đăng trực tuyến ngày 24 tháng 9 trên tạp chí Pediatrics.
T. Mai
Theo HD