Đừng để trẻ em bị bạo hành về thể xác và tinh thần

TP - Ngày 18/6, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quyền tham gia của trẻ em trong gia đình và vai trò cha mẹ”.

Theo bà Lê Thị Lam Hương, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, hiện nhiều bậc cha mẹ chưa dành thời gian chơi với con, lắng nghe con nói; phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường, ông, bà, người giúp việc hoặc cho con chơi điện thoại, máy tính thay vì chơi và chia sẻ với con. “Lắng nghe trẻ em nói, tôn trọng ý kiến của trẻ em, thông tin, giải thích kịp thời đối với trẻ em. Khi cha mẹ thực hiện được những điều này là đã thực hiện tốt quyền tham gia của trẻ em ngay trong chính gia đình của mình”, bà Lam Hương nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Trị cho rằng, thực tế hiện nay, việc tham gia của trẻ em trong gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thống văn hóa Á Đông khi coi ý kiến của người lớn hay “bề trên” là “tối thượng”, luôn đem lại những điều tốt đối với người ít tuổi, đặc biệt là trẻ em, do vậy trẻ em buộc phải tuân thủ. “Tình trạng trẻ em Việt Nam thường hay bị phạt trước rồi sau đó mới được phép giãi bày nguyên nhân hiện còn phổ biến. Chính vì những quan niệm bảo thủ, phong kiến nặng nề này mà trong không ít gia đình, trẻ em đã phải chịu đựng bạo hành về thể xác và tinh thần. Hậu quả không ít em đã có hành động dại dột, thương tâm, nhiều em bỏ nhà đi lang thang, rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội”, bà Thu Thanh nói. 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Hướng Dương, để tăng cường các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án giáo dục quốc gia đời sống gia đình trong năm 2016.