Nhiều tính năng
Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo Hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao” do Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
Được triển khai từ tháng 4/2020, một phiên bản robot đơn giản (Vibot-1) gồm một robot và một trung tâm giám sát điều khiển được chế tạo, lắp đặt và thử nghiệm tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, phục vụ người nghi nhiễm COVID-19.
Nhằm hoàn thiện sản phẩm với nhiều tính năng hơn nữa, một năm qua, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã tích cực triển khai Hệ thống robot y tế vận chuyển phiên bản 2 (Vibot-2). Kết quả, 5 robot đã được chế tạo thành công, thay thế con người vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm từ ngoài khu vực cách ly vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoài khu vực cách ly.
Vibot-2 được thiết kế có khả năng mang tải lớn nhất đến 60kg, tốc độ di chuyển cao nhất đến 30m/phút, có thể hoạt động liên tục đến 12 giờ, tự động giám sát tình trạng năng lượng và tìm nguồn sạc khi cần. Để phục vụ nhiều chức năng, nhiều loại giá đựng đồ được thiết kế với kích thước khác nhau như giá đựng đồ ăn, giá đựng thuốc, giá đựng đồ dùng, giá đựng rác. Qua tính toán sơ bộ, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế.
Đặc biệt, trung tâm giám sát, điều khiển được kết nối với các robot qua hệ thống truyền thông không dây nội bộ, gồm màn hình, micro, loa. Từ đó, y bác sĩ có thể thực hiện chức năng giao tiếp từ xa với người bệnh như thăm hỏi tình trạng sức khỏe bệnh nhân, nhắc nhở lịch uống thuốc, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp trong những tình huống không thực sự cần thiết, qua đó góp phần giảm lây nhiễm.
Có thể mở rộng phạm vi ứng dụng
Theo GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Vibot-2 được thiết kế, chế tạo với nhiều tính năng thông minh như khả năng tự xây dựng đường đi theo bản đồ khu vực làm việc nạp trước hoặc tự xây dựng, di chuyển an toàn vào/ra khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Ngoài ra, Vibot-2 có khả năng phát hiện và dừng hoặc vòng tránh các loại vật cản cố định và di động để đến được các vị trí đã được xác định trước, khả năng phối hợp giữa các robot khi thực hiện cùng một nhiệm vụ trên cùng một sàn.
Từ cuối tháng 4/2021, hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot-2 được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Giữa tháng 5/2021, hệ thống được đưa vào sử dụng tại Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai (tại Phủ Lý, Hà Nam).
Theo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, đề tài hướng đến mục tiêu chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ- loại robot có rất nhiều tính năng hiện đại phục vụ người bệnh với mức giá có thể lên tới 150.000 USD một sản phẩm.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, các tính năng của Vibot-2 có thể áp dụng trong nhiều môi trường khác nhau. Vì vậy, có thể đầu tư nghiên cứu thêm để phát triển, mở rộng phạm vi ứng dụng của Vibot cho các nhiệm vụ khác như vận chuyển trong phân xưởng, nhà máy thông minh. Đặc biệt, trên nền tảng này, có thể phát triển thành các robot quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.