Trót huy động vốn lãi suất cao với kỳ hạn dài hồi cuối năm ngoái, nên nhiều ngân hàng đang chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay vì giá vốn đầu vào cao.
Lãi suất cho vay khó hạ
Tín dụng tăng trưởng chậm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2 lần hạ lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động hạ nhanh trong 4 tháng đầu năm nay. Trái ngược với cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động cuối năm ngoái, những tháng gần đây, thị trường lại chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất huy động.
Đầu tuần này, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại hầu hết ngân hàng đã lùi về mức dưới 8%/năm. Mức lãi suất này so với “đỉnh” cuộc đua lãi suất tháng 11 năm ngoái đã giảm khoảng 2-4%/năm tùy từng ngân hàng.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5-0,65%. Riêng tại các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,5-2%. Theo thống kê của NHNN, hiện lãi suất tiền gửi mới bình quân là 6-6,1%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng đã giảm theo, song mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn cao.
Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao trong quý I/2023. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%/năm, cao hơn 0,56% so với cuối năm 2022 và cao hơn 2,15% so với cuối năm 2021.
Lãi suất huy động tăng cao cuối năm ngoái và 2 tháng đầu năm nay, trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, khiến người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng, chủ yếu gửi kỳ hạn dài. Huy động vốn tăng, trong khi tín dụng chậm lại, khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với lãi suất huy động giá cao, khó giảm lãi suất cho vay.
Không những lãi vay giảm chậm, kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng cũng đã “ngấm đòn” vì lãi suất huy động cao. Báo cáo tài chính quý I/2023 của hàng loạt ngân hàng cho thấy, chi phí lãi tăng mạnh, trong khi thu nhập từ lãi tăng chậm, khiến thu nhập lãi thuần giảm sút trong quý I/2023, dẫn tới lợi nhuận giảm tốc. Các ngân hàng rơi vào tình trạng này có thể kể tới ABBank (thu nhập từ lãi tăng 48%, trong khi chi phí lãi tăng gần 100%), Eximbank (thu nhập từ lãi tăng 37,4%, trong khi chi phí lãi tăng hơn 70%)….
Tại các cuộc họp lần đây, lãnh đạo NHNN đã nêu đích danh một số ngân hàng có lãi suất cho vay cao và yêu cầu phải báo cáo NHNN về vấn đề này. Phân trần về lãi suất cho vay vẫn neo cao, lãnh đạo KienLongBank lý giải, lãi suất đầu vào của ngân hàng chủ yếu huy động từ thị trường 1 (tổ chức kinh tế và dân cư) với nguồn vốn kỳ hạn dài, lãi suất khá cao, nên lãi suất đầu ra cũng phải cao để đảm bảo khả năng hoạt động, quản lý rủi ro của ngân hàng.
Nỗ lực giảm lãi suất
Từ đầu tháng 5/2023, Vietcombank quyết định giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong 3 tháng, từ 1/5/2023 đến 31/7/2023. Ba “ông lớn” khác là BIDV, VietinBank và Agribank cũng đồng thuận sẽ giảm thêm lãi suất cho vay. Big 4 ngân hàng chiếm 50% thị phần cho vay hạ lãi suất sẽ tác động tích cực lên lãi suất thị trường.
Ông Đào Minh Tú cho biết, giảm lãi suất cho vay là một trong 8 chính sách được NHNN ưu tiên những tháng đầu năm. Thời gian tới, NHNN sẽ vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhiều khả năng lãi suất trên thị trường sẽ tiếp tục giảm thêm trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, mức giảm sẽ tùy khả năng của từng ngân hàng.
Mặc dù khẳng định sẽ điều hành lãi suất theo xu hướng giảm, song NHNN cũng cho rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không thể trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Thực tế, tín dụng tăng chậm hiện nay chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế yếu. Vì vậy, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cần có giải pháp để khai thác cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam. Khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.
Việc hàng loạt ngân hàng lớn tại Mỹ sụp đổ không phải do thua lỗ và giá trị trích lập dự phòng rủi ro gấp 4,6 lần quy mô nợ xấu càng khiến NHNN thận trọng với bài toán lấy vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền lãi suất cao và khó tiếp cận tín dụng, song theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, nhu cầu vốn hiện nay chủ yếu là để phục vụ đảo nợ hoặc cho các dự án bất động sản, đồng nghĩa với tiềm ẩn rủi ro lớn. Đây là điều khiến các ngân hàng cân nhắc cho vay mới trong thời điểm này, dù đang dư thừa vốn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lãi suất trong xu hướng hạ, song rủi ro của nền kinh tế đang gia tăng, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi cho vay ra, doanh nghiệp vay vốn sẽ không dễ dàng. Về phía doanh nghiệp, ngay cả với doanh nghiệp khỏe, thì nhu cầu vay vốn cũng chỉ ở mức “cầm chừng” do đầu ra khó khăn, sức cầu thị trường giảm, hàng hóa bán chậm. Chỉ khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn, doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn.
Link gốc: https://baodautu.vn/dua-huy-dong-lai-suat-cao-ngan-hang-bat-dau-ngam-don-d189328.html?