Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, tỷ lệ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt theo đánh giá năm 2010 là 59%, 2014 tăng lên 63% và đến năm 2019 là 67%. Tỷ lệ này năm 2020 tiếp tục tăng lên tới 70% và đến năm 2021 là 72%. Như vậy, tỷ lệ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt đã có sự tăng dần trong chiều hướng tốt. Tuy nhiên hàng Việt còn phải phấn đấu nhiều hơn để khắc phục những yếu điểm được chỉ ra trong thời gian qua.
Theo ông Phú, về sản xuất, hàng Việt Nam cần phải có chất lượng cao hơn, có giá thành cạnh tranh, sản xuất bảo vệ môi trường lâu dài cho đất nước, tăng cường ứng dụng khoa học kĩ thuật, khơi dậy ý chí sáng tạo đổi mới, sản xuất phải gắn liền với hệ thống phân phối theo chuỗi, vừa quản lý chặt chẽ đầu vào và đầu ra của sản phẩm, góp phần đẩy lùi từng bước hàng giả, hàng nhái trên thị trường, đồng thời có cơ hội giảm giá chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, hạ giá thành sản phẩm.
Cần phải khắc phục việc năng suất lao động trong nông nghiệp và công nghiệp còn thấp, giá thành còn cao, độ ổn định của chất lượng hàng hóa chưa đảm bảo, việc thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm còn chậm, chưa theo kịp với nhu cầu của thị trường. Kỉ luật sản xuất còn yếu kém, tùy tiện ở một bộ phận cá nhân và tổ chức sản xuất kinh doanh, vì lợi nhuận mà vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm chất lượng hàng hóa…
Ông Phú cho biết, về hệ thống phân phối quốc gia, cả nước có 9.000 chợ, 800 siêu thị và 125 trung tâm thương mại và khoảng 5.000 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cộng với hàng chục triệu hộ kinh doanh cá thể trong cả nước. Đây là một lực lượng lưới phân phối rất hùng hậu để giải quyết đầu ra cho sản xuất hàng hóa Việt và chiếm lĩnh thị trường nội địa.
“Điều quan trọng là hệ thống phân phối Việt phải mở cửa thuận tiện cho hàng Việt vào để phục vụ tiêu dùng xã hội. Không ép giá, ép chiết khấu vô lý như một số siêu thị đã làm, tạo điều kiện cho hàng ngoại xâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng nhanh và mạnh hơn. Trong khi hàng hóa sản xuất của chúng ta còn có những mặt yếu kém”, ông Phú nói.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam hiện vẫn còn thiếu những tập đoàn bán lẻ lớn đủ sức dẫn dắt thị trường làm ăn tử tế, có trách nhiệm với xã hội và sản xuất tiêu dùng, đủ sức vươn lên cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Làm được những điều trên chính là giảm bớt sức ép cho hàng hóa Việt Nam phải dựa hẳn vào các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phú cho biết thêm, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt phải liên kết một cách chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới nhằm chia sẻ thông tin thị trường hàng hóa, kinh nghiệm quản lý để bù đắp những phần còn yếu kém, tiếp tục xây dựng thương hiệu bán lẻ một cách bền vững.
Ngoài ra, về công tác quản lý nhà nước, cần tạo một môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công khai minh bạch để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế yên tâm đầu tư phát triển. Làm tốt công tác chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, trong đó nhấn mạnh vai trò của chính quyền các cấp ở các địa phương là vô cùng quan trọng.
Theo điều tra số liệu cho thấy, vai trò của chính quyền có suy giảm. Năm 2014 là 67%, năm 2019 chỉ còn 63%, vai trò của cấp Ủy năm 2014 là 68%, năm 2019 chỉ còn 62%, tương tự các vai trò của Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ các địa phương cũng suy giảm với tỷ lệ tương tự.
Đặc biệt, ông Phú nhấn mạnh, trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" này, cần chú ý các chính sách đầu tư một cách cân đối cho các kênh bán lẻ. Hiện, doanh thu của kênh truyền thống bao gồm chợ , cửa hàng lẻ, cửa hàng tạp hóa vẫn đảm nhiệm từ 70 – 75% sức mua của thị trường. Thế nhưng chợ, cửa hàng ngay tại các thành phố lớn còn xộc xệch, xuống cấp, an toàn phòng chống cháy nổ luôn luôn bị đe dọa.
Ngoài ra, hệ thống chính sách của các bộ ngành đưa ra về xúc tiến thương mại, hỗ trợ vay vốn kinh doanh, phân bổ quỹ đất, vay vốn ngân hàng cho hệ thống bán lẻ Việt còn nhiều vướng mắc, chậm được giải quyết, làm cho cơ hội kinh doanh bị vuột khỏi tay các nhà đầu tư Việt có tâm huyết trong lĩnh vực phát triển hệ thống bán lẻ Việt.
Tất cả những mặt yếu về sản xuất và hệ thống phân phối Việt đã bộc lộ rõ hơn 10 năm vừa qua. “Trong thời gian tới, chúng ta phải coi khẩu hiệu “Người Việt Nam phải chiếm lĩnh thị trường nội địa” là một mệnh lệnh của Quốc gia. Phong trào ưu tiên dùng hàng Việt Nam không chỉ dừng lại ở phong trào mà phải hình thành những hành động cụ thể của các ngành các cấp, các địa phương và mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi một người tiêu dùng xã hội cần phải góp sức cho sự nghiệp giữ gìn vị thế của hàng Việt của thị trường nội địa và từng bước vươn ra xuất khẩu”, ông Phú cho hay.