Đưa Bình Nhưỡng vào danh sách tài trợ khủng bố, Mỹ 'hâm nóng' bán đảo Triều Tiên

TPO - Việc Mỹ lần thứ hai đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố là nhằm dọn đường cho chính quyền Washington gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong thời gian tới. 
Ảnh: VOA News

Tuy nhiên, động thái này cũng có khả năng thổi bùng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. 

Mỹ lần thứ hai đưa Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố

Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên đưa Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố là vào năm 1987 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Sự kiện diễn ra sau khi Bình Nhưỡng bị cáo buộc gây ra vụ đánh bom một chuyến bay của hãng Korean Air khiến 115 người trên máy bay thiệt mạng.

Chính quyền Tổng thống George W. Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách này vào năm 2008 để đổi lấy bước tiến trong cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo tờ Washington Post cho biết, ở thời điểm đó, Chính phủ Mỹ nói rằng Chính quyền Bình Nhưỡng đã đưa ra “những tuyên bố công khai từ cấp có thẩm quyền, khẳng định không và sẽ không hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Quyết định khi đó của Mỹ đã đóng góp đáng kể cho các cuộc đàm phán trên Bán đảo Triều Tiên. Theo Reuters, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên chưa hội đủ “điều kiện” để bị liệt lại vào danh sách này. 

Lần thứ hai Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố chính là bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 20/11. Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Nói về quyết định của mình ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh: “Không chỉ đe dọa hủy diệt thế giới bằng hạt nhân, Triều Tiên còn liên tục hậu thuẫn các hành vi khủng bố quốc tế, chẳng hạn như những vụ ám sát ở nước ngoài. Quyết định này sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt và án phạt đối với Triều Tiên cũng như các cá nhân cụ thể, là một trong những biện pháp hỗ trợ chiến dịch gia tăng sức ép tối đa nhằm cô lập chế độ sát nhân. Điều này đáng lẽ đã phải được thực hiện từ lâu”. 

Tổng thống Trump cho biết Bộ Tài chính Mỹ dự kiến công bố lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên trong ngày 21/11. Quyết định này của Trump được đưa ra sau khi ông trở về từ chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày tới 5 quốc gia khu vực, chuyến thăm với một trong những nội dung trọng tâm là kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Theo quy định của Bộ Ngoại giao Mỹ, một quốc gia bị đưa vào danh sách tài trợ khủng bố khi chính phủ tại quốc gia đó liên tục cung cấp các hỗ trợ hoặc hậu thuẫn các hành vi liên quan đến chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Khi đã bị liệt vào danh sách, quốc gia đó sẽ chỉ được xóa tên nếu đích thân Tổng thống Mỹ đệ trình Quốc hội yêu cầu xem xét.

Vì sao Mỹ hành động giữa lúc 'nước sôi lửa bỏng'?

Theo các chuyên gia phân tích, việc Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bổ nhằm dọn đường cho chính quyền Washington gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong thời gian tới. Tuy nhiên, động thái này cũng có khả năng thổi bùng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tạp chí The Atlantic (Mỹ) đánh giá: “Nói một cách thực tế, tuyên bố của Tổng thống Trump ngày 20/11, vốn được nhiều người xem là điều tất yếu sau hàng loạt phát biểu úp mở trong chuyến công du châu Á vừa qua của ông, sẽ mở đường cho việc gia tăng trừng phạt một quốc gia đang bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới. Quyết định này cũng sẽ làm phức tạp hơn những nỗ lực đàm phán với Triều Tiên về chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân - điều mà Chính quyền Trump từng nói là luôn để ngỏ cánh cửa đối thỏa”. 

Hãng tin Reuters ngày 20/11 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố, một động thái mở đường để Mỹ áp đặt thêm các đòn trừng phạt và chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân-tên lửa của Bình Nhưỡng. 

Trong khi đó, trang mạng navytimes.com dẫn lời chuyên gia về các lệnh trừng phạt Anthony Ruggiero, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu chính sách Quốc phòng Dân chủ (Mỹ) cho rằng, quyết định của Tổng thống Trump sẽ buộc các quốc gia khác phải cắt đứt quan hệ kinh tế và ngoại giao với Triều Tiên. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia và chính trị gia, quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố chủ yếu mang tính biểu tượng bởi Triều Tiên vốn đã hứng chịu những đòn trừng phạt nặng nề của Mỹ.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Edward Markey cho rằng quyết định của Tổng thống Trump tuy là một tuyên bố gây tiếng vang lớn song thực tế lại không thể buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về chương trình hạt nhân của mình.

Reuters dẫn lời ông Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm Lợi ích Quốc gia, bình luận rằng thậm chí quyết định nói trên còn có thể sẽ phản tác dụng. Ông nói: “Đáng buồn là hành động của Chính quyền Trump sẽ chỉ càng đẩy trò chơi bên miệng hố chiến tranh trở nên căng thẳng hơn, tới chỗ không bên nào chịu nhường bước”. 

Theo một số chuyên gia, Triều Tiên không đáp ứng tiêu chuẩn một nhà nước tài trợ khủng bố, bởi việc liệt một quốc gia vào danh sách này đòi hỏi phải có bằng chứng cho thấy nước đó "liên tục cung cấp sự hỗ trợ cho các hành động khủng bố quốc tế".

Bởi vậy, một quan chức tình báo Mỹ đề nghị không tiết lộ danh tính nói động thái của ông Trump có thể gây tác dụng ngược, nhất là xét đến cơ sở thiếu chắc chắn của việc đưa Triều Tiên vào danh sách. Theo vị này, Bình Nhưỡng có thể đáp trả bằng một số cách, bao gồm thực hiện thêm những vụ thử hạt nhân và tên lửa mới.

Ngoài ra, quyết định của ông Trump có thể cản trở những nỗ lực của Washington nhằm lôi kéo sự hợp tác của Trung Quốc trong việc gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.

Như vậy, có thể thấy rắng, trong bất kỳ trường hợp nào, quyết định của Tổng thống Trump sẽ càng khiến cho tình hình bán đảo Triều Tiên như "đổ thêm dầu vào lửa", và điều này thực sự không giúp ích cho việc mở đường đối thoại với Triều Tiên.