Bộ Tài chính vừa biên soạn và phát hành báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Chính phủ trình Quốc hội.
Theo đó, việc thực hiện dự toán NSNN năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái. Giá dầu và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Điều này làm gia tăng rủi ro, khó khăn, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2023 ở mức 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng gần 210.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2022..
Cụ thể, dự toán thu nội địa là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022. Dự toán thu từ dầu thô 42.000 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu cân đối NSNN, trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn (mỗi tấn tương đương khoảng 7,5 thùng), giá dầu dự toán khoảng 70 USD/thùng.
Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu gần 240.000 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu cân đối NSNN. Trong đó, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là hơn 420.000 tỷ đồng; dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng là 186.000 tỷ đồng. Dự toán thu viện trợ 5.500 tỷ đồng.
Về chi NSNN, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2,07 triệu tỷ đồng, tăng hơn 290.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Dự kiến bố trí dự toán chi NSNN gồm: Chi đầu tư phát triển hơn 720.000 tỷ đồng; chi trả nợ lãi hơn 100.000 tỷ đồng, giảm 0,8% so với dự toán năm 2022; chi thường xuyên gần 1,2 triệu tỷ đồng tăng 5,4% so với dự toán năm 2022.