Miễn học phí cả cấp THCS
Dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng miễn học phí đến hết cấp THCS thay vì hiện hành mới chỉ miễn đến tiểu học. Tờ trình nêu: “Cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục tới cấp THCS. Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí cho học sinh THCS trong hệ thống trường công lập”.
Tờ trình cũng nêu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau xin ý kiến chính phủ, trong đó nổi bật nhất là chính sách đối với nhà giáo. Cụ thể, Điều 81 quy định về tiền lương ghi rõ: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên.
Cũng theo Tờ trình, hệ thống GDPT sẽ được chia thành hai giai đoạn gồm: giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT).
Tăng lương giáo viên là bức thiết
Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, trong 3 vấn đề dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung thì nổi lên 2 vấn đề bức thiết là: tăng lương giáo viên và làm tốt việc phân luồng.
Theo bà Nga, trên thực tế như ở trường THCS Dịch Vọng hiện nay, lương giáo viên mới ra trường (hệ cao đẳng) mới chỉ hơn 2 triệu đồng/ tháng. Trong đó, giáo viên đã tham gia dạy đủ 19 tiết/ tuần cộng với rất nhiều việc khác như: trực đầu giờ, quản nề nếp học sinh, dạy bồi dưỡng học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài giờ… mà không có bất kỳ khoản thu nhập tăng thêm nào khác. Đặc biệt, bà Nga cho rằng, quy định chung thì mỗi lớp học chỉ có từ 40-45 học sinh tuy nhiên ở khu vực Cầu Giấy do dân số đông nên các lớp đều có sĩ số 50-55 học sinh. “Như vậy giáo viên phải vất vả gấp 1,5 lần nhưng thu nhập hiện nay lại không đủ trang trải cuộc sống. Cộng vào việc giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày rất vất vả nhưng thu nhập không tương xứng với sức lao động”, bà Nga nói.
Riêng vấn đề miễn học phí đến bậc THCS, bà Nga cho rằng, “nếu đề xuất tăng lương giáo viên mà lại miễn học phí sợ hơi khó thực hiện còn thực hiện được thì tốt tuy nhiên không phải là vấn đề cấp bách”.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ông Nguyễn Văn Nguyên cho rằng, các vấn đề nêu trong bản dự thảo đều rất ấn tượng, có lợi cho giáo viên, học sinh. Ông cho biết, trường mình có 102 giáo viên, người thấp nhất lương hơn 3 triệu đồng, cao nhất như hiệu trưởng có thâm niên 35 năm, phụ cấp hiệu trưởng cũng chỉ được 10-12 triệu đồng/ tháng.
Riêng về phân luồng, ông Nguyên cho rằng, thực tế hiện nay tại địa phương, học sinh đã tự nhận thức để phân luồng. Cách đây ít năm, 100% học sinh có mong muốn thi đỗ vào ĐH, thậm chí nhiều học sinh thi năm nay không đỗ thì ôn tập để năm sau thi tiếp nhưng ít năm lại đây nhiều học sinh đỗ ĐH nhưng đã không đi học. Nhiều học sinh, không học hoặc bỏ ngang đi học nghề hoặc xuất khẩu lao động để kiếm vốn về tự kinh doanh. “Thực tế là vậy nhưng nếu muốn làm tốt hơn công tác phân luồng thì phải đầu tư cho hệ thống cơ sở đào tạo nghề và đầu ra mới hút được học sinh”, ông nói.
Lo tăng tiền xã hội hóa
Nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn học phí là rất tốt tuy nhiên, cần có chính sách kiểm soát các khoản thu xã hội hóa.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay, phụ huynh không căng thẳng về vấn đề học phí mà lo lắng nhất là các khoản tiền xã hội hóa. Núp bóng dưới hình thức, được sự đồng tình 100% của phụ huynh, nhiều trường tiểu học tuy không thu học phí nhưng các khoản đóng góp lên tới con số hàng triệu mới là vấn đề.
Chị Nguyễn Thị Tuyết An ở Hà Nội chia sẻ, với mức học phí bậc THCS ở thành phố hiện này là 120.000 đồng/ tháng, nông thôn 40.000-60.000 đồng/ tháng thiết nghĩ không phải là quá cao so với khả năng chi trả của phụ huynh. Tuy nhiên, theo chị An, hiện nay, chủ trương cho các trường thu các khoản xã hội hóa khiến phụ huynh cười mếu vì trong cuộc họp phụ huynh khi thông qua các khoản thu ít ai dám lên tiếng. “Nếu nói ra thì họ nghĩ mình chi ly, ích kỷ, một đồng đầu tư cho con cũng không dám nhưng thực tế hoàn cảnh gia đình không ai giống ai do đó, nói là xã hội hóa mà cứ phải nộp nhiều khoản tiền trong ấm ức”.
Một phụ huynh có con học ở Trường mầm non xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng chia sẻ, nếu Nhà nước có chính sách miễn học phí tới bậc THCS thì càng tốt nhưng cũng cần có chính sách siết các khoản thu xã hội hóa để người dân đỡ khổ.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc tăng lương cho giáo viên đã được quy định trong Nghị quyết 29 của T.Ư, chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề đã được nhận thức và bàn bạc. Nhà nước có trách nhiệm thể chế hóa điều này nhưng nếu Luật Giáo dục quy định được rõ ra thì rất tốt, phù hợp. Tuy nhiên, giải pháp khả thi hiện nay là nhà giáo nên có thang bảng lương riêng, không giống các ngành khác. Quan trọng là cách thực hiện như thế nào, ví dụ: trả lương theo năng lực, phụ cấp theo vùng miền… cần có sự tính toán thêm.