Bà Lush Alida Ismailaj đang giúp một phóng viên người Pháp vượt biên giới từ Albania sang Kosovo thì một quả bom ở gần đó phát nổ, các mảnh vụn văng tung tóe trên con đường chật cứng người tị nạn đang chạy trốn. “Biên giới từng rất nguy hiểm”, bà Ismailaj nói khi nhớ lại cách bà giúp các nhà báo quốc tế ghi lại cuộc chạy trốn của hơn 400.000 người tị nạn tới quê hương Kukes của bà vào cao điểm của cuộc chiến Kosovo từ tháng 3-6/1999.
Mặc dù dân số chỉ vỏn vẹn 16.000 người, nhưng thành phố nhỏ bé cách biên giới 20km này đã chào đón lượng người tị nạn khổng lồ. Kukes đã gây chú ý trên toàn thế giới và vào năm 2000, nó trở thành thành phố đầu tiên được đề cử giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, sự nổi tiếng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Khi chiến tranh Kosovo kết thúc và những người tị nạn trở về nhà, Kukes cũng đối mặt với một cuộc di cư lớn của chính họ. 53% cư dân đã rời khỏi thành phố nghèo nhất Albania để tìm kiếm cơ hội mới ở nước ngoài.
Giờ đây, khi số lượng du khách đến Albania tăng lên, những người dân địa phương như bà Ismailaj đang hy vọng, du lịch có thể giữ chân thế hệ tiếp theo ở lại. Với sân bay quốc tế hoàn toàn mới, những con đường đi bộ leo núi, di tích lịch sử và nhiều câu chuyện anh hùng, người dân đang hướng về lịch sử kiên cường, hào phóng và độc đáo của họ để thu hút du khách đến một trong những nơi ít được biết đến của châu Âu.
Nằm ở phía Đông Bắc Albania, các khu chung cư đồng đều của Kukes bị lu mờ bởi đỉnh núi Gjallica phủ đầy tuyết trắng. 20 phút lái xe về phía Đông qua những con đường núi sẽ đưa bạn đến Kosovo, nơi người Albania - Kosovo đấu tranh giành độc lập trong sự sụp đổ của Nam Tư, năm 1999.
Ông Bujar Kovaci, một hướng dẫn viên du lịch bán thời gian, biết rất rõ những vùng biên giới đầy rẫy nguy hiểm. “Tôi là người sống sót sau bom mìn. Tôi rất may mắn”, ông nói. Khi chỉ mới 10 tuổi, ông Kovaci nhặt được một quả mìn khi đang chơi ở vùng nông thôn gần biên giới và nó đã phát nổ. Gia đình đưa ông đến bệnh viện ở Kukes và ông tỉnh dậy hai tuần sau đó với cánh tay phải bị mất từ khuỷu trở xuống. “Năm 1999 ở đây xảy ra rất nhiều vụ tai nạn. 120 km dọc biên giới Albania-Kosovo bị rải rất nhiều chất nổ. Nhiều năm sau, họ vẫn rà phá bom mìn… nhiều người cũng bị thương như tôi”, ông nói.
Với sự giúp đỡ của nhà cung cấp địa phương Albanian Trip, ông Kovaci đang phát triển các tua du lịch để giới thiệu lịch sử và văn hóa của Kukes, cũng như các con đường đèo, đường mòn đi bộ, thác nước và làng mạc xung quanh. Lợi nhuận từ các chuyến tham quan được đầu tư vào một hiệp hội địa phương nhằm hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Ông Kovaci hy vọng rằng, nếu ông có thể lôi kéo khách du lịch đến thăm góc vắng vẻ này của châu Âu; Ông không chỉ giúp đỡ những người bị thương do bom mìn mà còn khuyến khích mọi người ở lại và bảo tồn văn hóa địa phương của Kukes.
Với sân bay quốc tế hoàn toàn mới, những con đường đi bộ leo núi, di tích lịch sử và nhiều câu chuyện anh hùng, người dân đang hướng về lịch sử kiên cường, hào phóng và độc đáo của họ để thu hút du khách đến một trong những nơi ít được biết đến của châu Âu.
Như đề cử Nobel cho thấy, cư dân Kukes rất hiếu khách. Ông Kovaci kể chuyện các gia đình ở Kukes đã mở cửa cho những người tị nạn đồng thời dựng lều bạt xung quanh quảng trường chính, dọc theo bờ sông và các cánh đồng xung quanh.
Được thành lập bởi người Illyrian cổ đại, Kukes từng là lãnh thổ xa xôi của đế chế La Mã, Byzantine và sau đó là Ottoman cho đến khi Albania trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1912. Albania thời cộng sản xây dựng một mạng lưới đường hầm rộng lớn trên khắp đất nước. Tại Kukes, đường hầm được xây dựng từ những năm 1970 và kéo dài khoảng 7 km là mạng lưới đường hầm lớn nhất ở Albania. Nó thậm chí có đủ không gian để che chở toàn bộ dân số Kukes trong thời chiến tranh.
Các đường hầm vẫn còn đó, và anh Afrim Cenaj, người có cha từng là sĩ quan trong quân đội Albania những năm 1980, hiện dẫn đầu các chuyến tham quan đến nơi mà người dân địa phương gọi là “thành phố dưới lòng đất”. “Cha tôi từng canh gác nơi này và bây giờ tôi muốn bảo tồn nó”, anh cho biết.
Di tích lịch sử xung quanh Kukes, tiêu biểu là trụ sở Đài phát thanh Kukesi, nơi có một bức phù điêu khắc họa một công nhân anh hùng vẫy lá cờ Albania được đặt ngay lối vào. Đài phát thanh hiện là một bảo tàng. Những bức ảnh về người tị nạn và đoàn xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc được dán trên tường của bảo tàng. Những bức thư đã phai mực của những người chạy trốn cuộc xung đột gửi đến Đài phát thanh Kukesi và tên họ được gửi về Kosovo để cho những người thân yêu của họ biết rằng họ đã đến nơi an toàn.
“Đêm đầu tiên của cuộc di cư, chúng tôi đã tiếp đón 13.000 người tị nạn ở Kukes”, bà Ismailaj giải thích, đồng thời nói thêm rằng mọi người thậm chí còn ngủ trên sàn của đài phát thanh. “Giai đoạn lịch sử này khiến Kukes trở nên quan trọng đến mức truyền thông thế giới đã đến đây, đưa tin về thị trấn nhỏ chào đón hàng trăm nghìn người tị nạn”, bà nói.
Đề cử Nobel của Kukes đã trở thành lịch sử, bà Ismailaj tự hỏi: “Có lẽ nếu chúng tôi là người đoạt giải Nobel Hòa bình, ngày nay chúng tôi sẽ nhận được nhiều đầu tư hơn, nhiều sự quan tâm hơn từ các tổ chức phi chính phủ”.
Sân bay mới khai trương vào năm 2022, hiện kết nối Kukes với một số thành phố lớn ở châu Âu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch, từ đó tạo ra động lực cho thế hệ tiếp theo ở lại. “Hầu hết gia đình tôi đã rời đi. Nhưng con trai tôi đang học tiếng Anh. Nó muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch ở Kukes”, anh Cenaj nói.
Với những đỉnh núi cao vút và dòng sông màu ngọc lam, Kukes có tiềm năng để trở thành một điểm du lịch mạo hiểm. Tại làng Shistavec, cách thành phố 45 phút lái xe, những ngôi nhà gỗ đã được xây dựng cho những người trượt tuyết và đi bộ đường dài, đồng thời trong các chuyến đi trong ngày xung quanh Kukes, khách du lịch có thể tìm hiểu thêm về văn hóa miền núi của người Gorani, những người nói ngôn ngữ Slav. Kukes cũng là nơi bắt đầu đường mòn High Scardus mới mở gần đây, kết nối Bắc Macedonia - Albania - Kosovo và đi qua biên giới Shistavec.
Thông qua việc mở cửa đón khoảng 400.000 người, Kukes đã cho thế giới thấy rằng ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, loài người vẫn mở lòng giúp đỡ nhau. Giờ đây, người dân địa phương dựa vào lịch sử xung đột ấy để truyền bá sự hiếu khách và tình yêu hòa bình của họ.