Trong suốt 18 năm, kể từ năm 2000, nước Nga đã trải qua ba “kỷ nguyên Putin”, với mục tiêu lần lượt là: “làm cho nước Nga ổn định” (năm 2000 – 2003), “làm cho nước Nga trở nên giàu có” (2004 – 2007) và “làm cho nước Nga được tôn trọng trở lại” (2012 – 2017).
Giờ đây, đứng trước nhiệm kì cuối cùng, ông Putin phải đối mặt với thách thức lớn nhất, là đảm bảo những thành tựu của mình tiếp tục được củng cố sau khi ông rời Điện Kremlin.
Luồng gió mới
Theo RT, ông Putin không những không ảo tưởng, mà trái lại, còn rất tỉnh táo khi nhắc đến những quyền hạn và trách nhiệm của mình.
Hồi tháng 3, khi được hỏi về việc có ý định làm Tổng thống thêm nhiệm kì thứ 5 hay không, ông Putin đã trả lời thẳng thắn: “Tôi sẽ ngồi đây đến năm 100 tuổi sao? Không đời nào”.
Cùng lúc đó, sự thay đổi về mặt nhân sự cho thấy Tổng thống Nga đang có ý định xây dựng một bộ máy trẻ hơn để “tiếp quản dây cương”. Nổi bật trong số đó là sự vụt sáng của Maxin Oreshkin (35 tuổi) – người nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Phát triển Kinh tế.
Oreshkin và các đồng nghiệp có nhãn quan rất khác so với thế hệ đàn anh. Họ lớn lên cùng các bộ phim Mỹ, sử dụng Internet thành thạo và thường xuyên đi du lịch. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thế hệ tương lai của Nga sẽ bị “phương Tây hoá”.
Nhiều người Nga, đặc biệt là người trẻ, thường tỏ ra lo sợ đất nước của họ sẽ bị hoà vào dòng chảy của Mỹ. Mặt khác, họ cũng muốn giảm căng thẳng để tập trung phát triển kinh tế.
Bởi sau sự bùng nổ chưa từng thấy trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của Putin, vị thế tài chính của Nga, giống với hầu hết các nước châu Âu, đã không cải thiện nhiều kể từ năm 2008. Sau năm 2014, mức sống của người dân có dấu hiệu suy giảm.
Trong khi đó, chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin lại nhận được không ít lời khen ngợi, đặc biệt sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014 và thực tế là ông Putin đã ngăn chặn “cơn thuỷ triều NATO” đang ngày càng tiến gần biên giới Nga kể từ những năm 1990.
Tất cả những thực tế này dẫn đến một tâm trạng “kì lạ” của những cử tri Nga trong cuộc bầu cử 2018. Khi những người trẻ chỉ ra rằng họ cảm thấy thất vọng về những vấn đề trong nước, nhưng lại rất hài lòng về sự thể hiện của ông Putin trên trường quốc tế.
Các bước tiếp theo
Để đạt được mục tiêu của mình, ông Putin sẽ cần một đội ngũ nhân sự xuất sắc, cụ thể là một nội các mới sau khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kì thứ 4 hôm 7/5.
Đầu tiên, ông Putin thông báo tiếp tục đề cử Dmitry Medvedev vào vị trí Thủ tướng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ông Medvedev sẽ làm Thủ tướng trong suốt nhiệm kì. Bởi ông Putin có thể có một vài lựa chọn khác.
Vì dụ, ông có thể thay thế Medvedev bằng một ứng viên Tổng thống kế nhiệm tiềm năng vào năm 2021 – 2022. Hoặc ông có thể giữ Medvedev tại nhiệm suốt nhiệm kì 6 năm, rồi thúc đẩy ông này chạy đua chức Tổng thống vào năm 2024.
Dù vậy, theo RT, ông Medvedev có thể sẽ trao lại quyền lực cho một số nhân vật tiềm năng khác, như Thống đốc Tula Alexey Dyumin, 45 tuổi, hoặc Oreshkin trong một vài năm tới. Thực tế, RT cho rằng ông Putin sẽ chơi nước cờ an toàn cho đến ít nhất năm 2021, trước khi tiến hành một cuộc cải tổ triệt để.
Những gương mặt cũ
Theo RT, một số nhiệm vụ của ông Medvedev có thể sẽ được chuyển giao cho Alexei Kudrin, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga. Một số nguồn thạo tin cho biết ông Kudrin có thể sẽ trở thành trợ lý Tổng thống về các vấn đề kinh tế quốc tế, chủ yếu tập trung vào quan hệ Nga – EU.
Hai vị trí quan trọng khác hiện đang khiến Tổng thống Putin đau đầu, là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (62 tuổi) và Ngoại trưởng Sergey Lavrov (68 tuổi).
Về mặt tuổi tác, hai nhân vật này đều khó có thể tiến xa. Nếu Lavrov nghỉ hưu, người kế nhiệm ông có thể sẽ là Sergey Ryabkov – một diễn giả xuất sắc, đồng thời là cấp dưới của ông Lavrov kể từ năm 2008.
Một số nguồn tin khác cho rằng phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov có thể sẽ tiếp quản vị trí Ngoại trưởng của ông Lavrov, nhưng RT nhận định khả năng này ít xảy ra.
Với trường hợp ông Shoigu, Thống đốc Tula Alexey Dyumin có thể được coi là ứng viên kế nhiệm tuyệt vời.
Lịch sử cho thấy rất ít lãnh đạo châu Âu tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ. Hầu hết các nhà lãnh đạo đều rất lớn tuổi khi về hưu. Ngược lại, ông Putin, dù đã 65 tuổi, nhưng vẫn là một người năng động. Vào thời điểm buộc phải rời khỏi chức Tổng thống năm 2024, ông Putin sẽ chỉ bằng tuổi Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện giờ.
Điều này cho thấy nhiệm kì sắp tới sẽ là quãng thời gian thách thức nhất đối với ông Putin, ở vị trí người đứng đầu nước Nga. Ông đã xoay xở để đưa nước Nga ổn định trở lại, khôi phục vị thế nước Nga trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của ông, người Nga được tận hưởng sự thịnh vượng chưa từng thấy trong lịch sử.
Nhưng giờ đây, ông cần phải đảm bảo rằng những thành tựu của mình sẽ tiếp được tục duy trì, và rằng ông sẽ được nhớ đến như Charles DeGaulle – cố Tổng thống Pháp, người từng được bầu chọn là vĩ nhân số 1 của Pháp trong lịch sử.