Đủ chiêu bán người, bán mình vào 'động quỷ'

TP - Ngoài lừa bán người, thực tế cũng có nhiều cô gái muốn nhanh chóng thoát nghèo đã tự bán mình qua biên giới để bán dâm. Nhiều nạn nhân mua bán người lại tiếp tục đi lừa bán người khác…
Đại diện Bộ LĐTBVXH cùng tổ chức JICA Nhật Bản tại hội thảo.

Ngày 24/2, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Thành lập đường dây nóng về phòng chống mua bán người”. Số liệu báo cáo, mỗi năm ở Việt Nam có gần 1.000 người trở thành nạn nhân của nạn mua bán người. Năm 2012, cả nước có 444 vụ mua bán người với 836 nạn nhân, đến năm 2014 con số này tăng lên 469 vụ với 1.000 người. Đặc biệt, việc mua bán người không chỉ đẩy nạn nhân ra khỏi biên giới mà các đối tượng còn mua bán nạn nhân để ép buộc lao động, quan hệ tình dục ngay trong lãnh thổ.

Điển hình là trường hợp của 2 thiếu nữ ở Quảng Nam bị lừa bán vào một cơ sở tẩm quất, kích dục tại Hải Dương với giá 10 triệu đồng/người. Thủ đoạn của bọn buôn người là dụ dỗ 2 thiếu nữ đi làm ăn xa với công việc và thu nhập ổn định. Đối tượng bị bán là người dân tộc thiểu số có nhận thức hạn chế cộng với hoàn cảnh nghèo khó nên nhanh chóng bị sập bẫy. Đến cuối năm 2015, 2 em được Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hải Dương giải cứu.

Tại Vị Xuyên, Hà Giang, một em gái sinh năm 2000 - con của một cán bộ công an xã cũng vướng lưới lừa của bọn buôn người. Em bị bắt đi vào 17h chiều, ngày hôm sau đã bị bán vào một “động quỷ” bên kia biên giới. Ngay sau đó, người nhà đã phản ánh đến đường dây nóng về phòng, chống buôn bán người cũng như các cơ quan chức năng. Ba ngày sau, em may mắn được Bộ đội Biên phòng và Công an Hà Giang giải cứu.

Lừa đảo kết hôn cũng là một cách mà các đối tượng mua bán người tận dụng. Điển hình là trường hợp Giàng Seo Vu, trú tại xã Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) đã sang Hà Giang vờ yêu và hỏi cưới cô gái trẻ. Khi gia đình nhà gái đã yên tâm về chàng rể quý cũng là lúc gã này dẫn cô dâu sắp cưới bán sang Trung Quốc.

Thực tế đau lòng là cũng có nhiều cô gái muốn nhanh chóng thoát nghèo đã tự bán mình qua biên giới để bán dâm. Thậm chí, nhiều trường hợp nạn nhân mua bán người lại lừa người khác đi bán. Đó là trường hợp của Dương Thị V., bị bán sang Trung Quốc từ năm 12 tuổi, sau 5 năm được giải cứu. Trớ trêu là khi trở về, cơ quan điều tra xác định chính V. là người đã bán bạn mình là L.T.Q sang Trung Quốc. Thay vì đoàn tụ với gia đình, V. đang bị công an tạm giữ để điều tra.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội) cho biết: “Tình trạng gia tăng mua bán người chính là mặt trái của xu hướng toàn cầu hoá cũng như hội nhập quốc tế. Dòng người lao động di chuyển mạnh mẽ và tự do giữa các khu vực chính là mảnh đất màu mỡ của bọn buôn bán người, tình trạng này rất khó ngăn chặn”.