“Do thủ tục kéo dài và COVID-19”
Ông Phạm Hồng Vích, Phó trưởng ban Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Giám đốc QLDA “Hiện đại hoá ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (gọi tắt là Dự án) cho biết, các bài viết của báo Tiền Phong đã phản ánh đúng thực trạng dự án, đặc biệt là việc giảm diện tích trồng và phục hồi rừng.
Ông Vích cho hay, lý do giảm diện tích trồng và phục hồi rừng là dự án được bắt đầu xây dựng từ năm 2016 nhưng đến khi thực hiện lại có nhiều thay đổi. Theo đó, nhiều địa phương đã chuyển diện tích trồng, phục hồi rừng theo quy hoạch ban đầu cho dự án sang sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội và các công trình trọng điểm quốc gia triển khai tại địa phương. “Việc này được UBND các tỉnh xác nhận và cam kết” - ông Vích nói.
Ngoài ra, theo ông Vích, quy trình trồng rừng của dự án quy định là 1 năm trồng, 4 năm chăm sóc. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trong 6 năm (từ 2017 đến 2023), theo Sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án có nêu: “Không có khoản đầu tư nào vào các công trình sẽ được thực hiện trong năm đầu tiên của dự án vì năm đầu tiên sẽ dành riêng cho việc xác nhận kiểm chứng các địa điểm đầu tư tiềm năng…”.
Do vậy khi triển khai dự án, các địa phương sẽ tập trung ưu tiên công tác trồng rừng trong năm thứ nhất và năm thứ 2. Tuy nhiên từ thời điểm Thủ tướng phê duyệt chủ trương đến khi hoàn thiện các thủ tục đàm phán với nhà tài trợ và được giao vốn để bắt đầu triển khai dự án là tháng 12/2019. Mặt khác, khi triển khai dự án lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bão lũ…
Vì vậy, việc trồng rừng theo kế hoạch ban đầu của dự án bị chậm. Dự án bắt đầu triển khai trồng rừng đồng loạt trên các tỉnh từ đầu năm 2022 và đã trồng được trên 4.000 ha rừng ven biển trong khi bình quân cả nước hằng năm thực hiện trồng và phục hồi trên 3.000 ha.
Cam kết đẩy nhanh tiến độ để tranh thủ vốn ưu đãi
Ông Vích cũng thừa nhận rằng hiện dự án tại các địa phương có tình trạng tập trung vào việc xây dựng các công trình như báo Tiền Phong nêu. Ông Vích cho hay, việc đẩy nhanh các dự án hạ tầng do dự án phải đóng khoản vay (vốn vay IDA của WB) trước ngày 31/12/2023.
Sau thời điểm này, các địa phương không hoàn thành sẽ phải tự bố trí nguồn kinh phí khác, nên các địa phương phải thực hiện nhanh các công trình xây dựng cho đúng với kế hoạch và yêu cầu của Nhà tài trợ. Theo ông Vích, nguồn kinh phí thực hiện công trình hạ tầng do các địa phương vay lại và UBND tỉnh là chủ quản đầu tư. Thẩm quyền phê duyệt các dự án này là UBND tỉnh trên cơ sở đồng thuận của WB.
Ông Vích cho hay, hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình gấp rút triển khai để tận dụng được nguồn vốn vay ưu đãi, song song nói đó phải xin điều chỉnh, gia hạn dự án cho phù hợp thực tế. “Việc điều chỉnh gia hạn đến nay quá chậm trễ, chúng tôi đang báo cáo các cấp thẩm quyền để triển khai gấp rút nhưng cũng phải thận trọng, đúng quy trình” - ông Vích nói.