Để giảm ô nhiễm không khí, cải thiện sức khoẻ người dân, các thành phố khắp thế giới khuyến khích đạp xe, cải thiện giao thông công cộng, cấm xe hơi, dùng nhiên liệu xanh, di dời nhà máy, cấm dùng bếp than, đốt ngoài trời...
Buri Ram (Thái Lan): Buri Ram là tên một tỉnh nhưng có nghĩa là “thành phố hạnh phúc”; tỉnh này đã cấm hoạt động đốt nguyên vật liệu thải loại (chủ yếu rơm rạ, ngọn mía...) ở ngoài trời nhưng nhiều người dân vẫn đốt, gây ra sương khói, tăng bụi mịn PM2.5. Tỉnh trưởng Thirawat Wutthikhun hồi tháng 2/2019 ra lệnh cho lãnh đạo của tất cả 23 huyện công bố cảnh báo về bụi mịn (mỗi huyện dựng 2-3 bảng thông báo) và mức phạt đối với hành vi vi phạm lệnh cấm. Người vi phạm sẽ phải đối mặt án tù 2-15 năm và mức phạt tiền lên tới 150.000 baht (khoảng 113 triệu đồng).
Bắc Kinh (Trung Quốc): Năm 2013, Bắc Kinh áp dụng các biện pháp đồng bộ và quyết liệt nên đến năm 2017, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 giảm 35%. Các biện pháp bao gồm kiểm soát các lò hơi chạy bằng than, cung cấp nhiên liệu sạch hơn, di dời các cơ sở công nghiệp, đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm... Hệ thống quản lý chất lượng không khí của Bắc Kinh được hỗ trợ bởi các thống kê về phát thải, phân bổ nguồn ô nhiễm, đánh giá và giám sát các chỉ số liên quan.
Delhi (Ấn Độ): Delhi cấm tất cả xe thể thao đa dụng (SUV) có dung tích xy lanh hơn 2.000 cc và xe con sử dụng động cơ diesel, thay phiên cấm xe hơi biển chẵn-biển lẻ, dần loại bỏ hàng chục nghìn taxi dùng diesel. Thành phố khuyến khích xe buýt mini kiểu Uber chạy theo yêu cầu khách hàng.
Bangalore (Ấn Độ): Bangalore chuyển hàng nghìn xe buýt chạy diesel sang khí tự nhiên và không khuyến khích việc sử dụng xe hơi. Cứ 4 người đi xe con trước đây thì 1 người chuyển sang dùng phương tiện giao thông công cộng.
Curitiba (Brazil): Curitiba có hệ thống xe buýt thuộc hàng lớn nhất và rẻ nhất thế giới; có tuyến cứ 90 giây lại có xe khởi hành. Có tới 85% dân số thành phố đi xe buýt (2,3 triệu hành khách/ngày).
Krakow (Ba Lan): Năm 2016, Krakow đã thông qua lệnh cấm dùng bếp lò đốt bằng than và đốt củi phục vụ sinh hoạt. Lệnh cấm này có hiệu lực từ năm 2019. Ba Lan cũng đã thông qua luật phòng chống sương mù từ 3 năm trước.
Paris (Pháp): Paris cấm xe hơi ở nhiều quận trung tâm dịp cuối tuần, miễn phí giao thông công cộng những khi ô nhiễm không khí trầm trọng, khuyến khíc các chương trình chia sẻ xe hơi, xe đạp. Một đoạn dài dọc bờ phải sông Seine, dọc đại lộ Champs-Elysées... cấm xe hơi (vĩnh viễn hoặc có thời hạn).
Hà Lan: Hầu hết các thành phố khuyến khích việc sử dụng xe đạp. Các chính khách muốn cấm bán tất cả các loại xe hơi chạy xăng và disel từ năm 2025, chỉ cho xe chạy điện hoặc hydrogen lưu thông.
Freiburg (Đức): Freiburg có 500km đường xe đạp, xe điện và hệ thống vận tải công cộng hiệu quả, giá rẻ. Ngoại ô Vauban cấm người dân đỗ xe ô tô gần nhà họ, chủ xe phải trả 18.000 euro để có chỗ đỗ xe ở rìa thị trấn. Bù đắp cho việc sống thiếu xe hơi, người dân được thuê, mua nhà giá rẻ, miễn phí vận tải công cộng và có nhiều chỗ để xe đạp.
Copenhagen (Đan Mạch): Nhiều khu vực của Copenhagen cấm xe nhiều thập kỷ qua. Thành phố tính toán rằng, đi một dặm bằng xe đạp đem lại 0,42 đô la cho xã hội (chủ yếu do giảm phát thải carbon), còn đi bằng xe hơi thì đánh mất 0,2 đô la.
Helsinki (Phần Lan): Helsinki tăng đầu tư cho giao thông công cộng, tăng phí đỗ xe, khuyến khích đạp xe và đi bộ, biến các đường vành đai thành khu đi bộ và khu dân cư. Thành phố muốn giao thông công cộng tốt đến độ đến năm 2050 không còn ai muốn xe hơi.