Đông Nam Á căng thẳng vì COVID-19

TP - Campuchia ngày 12/4 ghi nhận 277 trường hợp mắc COVID-19, tăng mạnh so với khoảng 100 ca mắc hôm trước đó.
Người dân Campuchia tập trung tại một khu chợ đông đúc ở Phnom Penh. Ảnh: Nikkei Asia

Theo tờ Khmer Times, giống như những ngày trước, hầu hết những người mới nhiễm virus đều ở Phnom Penh, với 204 trường hợp, gồm 202 người Campuchia và 2 công dân Trung Quốc. Các trường hợp mới còn lại được phát hiện ở một số tỉnh khác như Svay Rieng, Kandal, Takeo (đều tiếp giáp Việt Nam-PV), Pursat, Prey Veng, Sihanoukville. Trong số 43 trường hợp nhiễm mới ở Svay Rieng có 34 người Campuchia, 7 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam. Các trường hợp mới đã đưa tổng số ca nhiễm virus ở Campuchia lên 4.515.

Số ca bệnh đang phải điều trị đã tăng lên 2.273, gây căng thẳng lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Campuchia, đặc biệt là thủ đô Phnom Penh.

Cuối tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia cảnh báo nước này đang đứng trước một thảm họa quốc gia với đợt bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay. “Chúng ta đang đứng trên bờ vực của một thảm kịch quốc gia vì COVID-19. Mặc dù đã cố gắng hết sức, chúng ta vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát dịch bệnh. Các trường hợp mới xuất hiện hằng ngày và chúng ta đang chạy đua với virus. Trừ khi chúng ta có thể ngăn chặn sự bùng phát, hệ thống y tế của Campuchia có nguy cơ bị quá tải cao, dẫn đến hậu quả thảm khốc ”, tiến sĩ Li Ailan, Đại diện WHO tại Campuchia nói, theo trang web của WHO Campuchia.

Tất cả các ca nhiễm mới đều có liên quan đến một đợt bùng phát được gọi là sự kiện 20/2. Đợt bùng phát này được xác định là liên quan đến biến thể SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện ở Anh, được cho là bắt nguồn từ 4 công dân Trung Quốc bị cáo buộc đã hối lộ để thoát khỏi khu vực cách ly.

Kể từ đó, dịch lan rộng khắp Campuchia, phá hoại những gì trước đó nhiều người coi là một câu chuyện thành công ngoài mong đợi. Một ngày trước khi dịch bùng phát, Campuchia chỉ có 484 trường hợp mắc bệnh và không có trường hợp tử vong nào. Nay thì đã có ít nhất 30 người chết do nhiễm virus.

Hệ thống y tế công của Campuchia đang bị đẩy đến giới hạn. Thừa nhận rằng tốc độ lây lan hiện tại sẽ khiến các bệnh viện sớm quá tải, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuần này ra lệnh cho các cơ quan chức năng chuẩn bị hướng dẫn cho bệnh nhân COVID-19 với các triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà. Nước này cũng đang gấp rút tăng cường triển khai tiêm vắc-xin. Ông Hun Sen nói rằng, công chức từ chối tiêm chủng sẽ không được phép trở lại làm việc. Bộ trưởng Lao động Campuchia nêu ra khả năng những công nhân may mặc không được tiêm phòng có thể bị cấm vào nhà máy và mất việc làm, theo Nikkei Asia.

Thái Lan: gần 1.000 ca/ngày

Bangkok Post dẫn nguồn từ chính phủ Thái Lan nói rằng, ít nhất 985 trường hợp COVID-19 được ghi nhận trong ngày 12/4, một kỷ lục mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 33.610. Trong số gần 1.000 ca nhiễm mới, chỉ có 5 ca nhập ngoại, còn lại đều lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, ở Thái Lan có 97 người chết vì COVID-19.

Tổng giám đốc Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh ở Thái Lan Opas Karnkawinpong nói các số liệu sau kỳ nghỉ lễ Songkran (tết cổ truyền mừng năm mới ở Thái Lan, với lễ hội té nước nổi tiếng - PV) sẽ xác định hướng đi của đợt sóng COVID-19 thứ ba ở Thái Lan. “Xu hướng là vẫn đang tăng lên. Chúng ta phải xem xét các số liệu sau Songkran”, tiến sĩ Opas nói. Ông cho biết, hầu hết các trường hợp mới có liên quan đến các tụ điểm vui chơi ban đêm.

Không chỉ Campuchia, Thái Lan, tại một số nước Đông Nam Á khác, tình hình cũng rất căng thẳng. Hôm 9/4, Philippines ghi nhận 401 người tử vong do COVID-19, mức tăng đột biến trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo Straits Times. Quốc gia này đã có hơn 840.000 trường hợp mắc bệnh và hơn 14.500 ca tử vong.

Giới chức Indonesia nói các kỳ nghỉ là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các ca bệnh ở nước này. Indonesia đã ghi nhận hơn 1,55 triệu trường hợp nhiễm coronavirus và 42.200 ca tử vong, theo CNA.