Thời gian qua, Chi cục Kiểm ngư Vùng 1 thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Đặc biệt, các biên đội tàu của Chi cục Kiểm ngư Vùng 1 thường xuyên tăng cường sự có mặt của lực lượng kiểm ngư trên biển, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, nhất là những vi phạm về IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định).
Ngoài ra, lực lượng Kiểm ngư Vùng 1 cũng tổ chức kiểm tra, xử lý các tàu cá vi phạm quy định về an toàn, hoạt động sai vùng, sai tuyến, không đánh dấu nhận biết, sử dụng biện pháp đánh bắt bị cấm… và kiểm tra, ngăn chặn các tàu cá nước ngoài khai thác trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cũng các chuyến tuần tra, kiểm soát lực lượng kiểm ngư Vùng 1 cũng góp phần tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thủy sản cũng như hỗ trợ để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển sản xuất, đảm bảo trật tự an toàn, an ninh trên biển. Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển…
Từ tháng 2 đến nay, lực lượng Kiểm ngư Vùng 1 đã tuần tra, quan sát được trên 1.600 (lượt/chiếc) phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; phát hiện và xử lý 92 tàu cá vi phạm (gồm 43 tàu cá Việt Nam và 49 tàu cá nước ngoài).
Thông qua tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, Kiểm ngư Vùng 1 phát hiện các lỗi vi phạm thường gặp của tàu cá Việt Nam là: không viết số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định; không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định; chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên tàu cá; ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản; không có sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; thuyền viên, người làm việc trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân; thuyền viên trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá.
Tại cuộc họp giao ban Cục Kiểm ngư thường kỳ tháng 11/2022, ông Đinh Văn Tráng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng I cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, hiện tượng tàu cá nước ngoài vi phạm đánh bắt tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vẫn xảy ra. Khi tuần tra và phát hiện, lực lượng kiểm ngư đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật và yêu cầu các tàu cá vi phạm rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Năm 2022 Chi cục Kiểm ngư Vùng I được giao 17 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển. Các biên đội tàu kiểm ngư sẽ thực hiện nhiệm vụ dọc đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ và hoạt động từ vùng biển xa bờ từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế.
Theo Chi cục Kiểm ngư vùng I, hai năm qua, công tác tuần tra, kiểm soát, thanh tra trên biển của lực lượng kiểm ngư Trung ương được triển khai ngay từ những tháng đầu năm. Bởi trước đây, phải đến tháng 5, tháng 6 hàng năm mới thực hiện công tác tuần tra trên biển do thủ tục đấu thầu nhiên liệu vận hành tàu mất nhiều thời gian.
Chi cục Kiểm ngư vùng I cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành kế hoạch nhiệm vụ công tác năm 2023 của lực lượng kiểm ngư; phê duyệt dự toán chi tiết và cấp kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước ngay trong tháng 12/2022 để các đơn vị có thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm, ngăn chặn các vụ việc tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về thuỷ sản trên biển được tăng cường. Số vụ bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư, để triển khai công tác kiểm ngư trong những tháng cuối năm, ông yêu cầu Chi cục Kiểm ngư vùng I cũng như Chi cục Kiểm ngư vùng V, triển khai tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển theo đúng kế hoạch.
Ông Hùng cũng lưu ý, lực lượng kiểm ngư cần tăng cường xử lý vi phạm, ghi chép chi tiết tình hình hoạt động của tàu cá trên biển, nhất là tàu cá nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Khi phát hiện vi phạm, cần xử phạt nghiêm để đảm bảo sức răn đe.
Bên cạnh đó, các Chi cục vùng cần truy vết tàu cá vi phạm và báo cáo đầy đủ thông tin, dữ liệu cho Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, từ đó Bộ phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để bàn giải pháp ngăn chặn.
Phó Tổng cục trưởng Thuỷ sản cũng cho biết, vừa rồi, Đoàn Thanh tra của Uỷ ban châu Âu (EC) lưu ý rằng, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến khai thác IUU còn rất thấp so với tổng số 800 vụ được Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) ghi nhận.
Bởi vậy, ông Hùng nhấn mạnh, cần bên cạnh vận động, tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân tuân thủ pháp luật về thuỷ sản, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu không sẽ không thể tạo sức răn đe.