Đồng hành để duy trì và phục hồi sản xuất

TP - Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lao động và việc làm, gần 2 năm qua, đặc biệt năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động một số giải pháp để đảm bảo an sinh, tạo điều kiện để DN duy trì sản xuất an toàn.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Năm 2021, dịch COVID-19 lây lan mạnh trong cộng đồng, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy lớn, nơi tập trung nhiều công nhân. Chỉ tính riêng tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã chiếm 1/4 số công nhân cả nước. Do đó, việc duy trì sản xuất mang ý nghĩa quan trọng không chỉ đảm bảo tăng trưởng, còn tạo công ăn việc làm cho người lao động. Để đạt mục tiêu trên, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng bộ ngành liên quan tham mưu với Chính phủ, Quốc hội nhiều chính sách hỗ trợ. Gói hỗ trợ lần 2 với người lao động và DN theo Nghị quyết 68 đã được Chính phủ ban hành với tổng trị giá khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Trong đó giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động về 0%, tổng mức giảm hơn 4,3 nghìn tỷ đồng; cho DN vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương với tổng nguồn vốn khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng; tạm hoãn đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Bên cạnh đó, để DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu vực áp dụng giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, thống nhất và ban hành hướng dẫn về áp dụng “3 tại chỗ”.

Để tiếp tục hỗ trợ người lao động và DN vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, ngày 9/9 vừa qua, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 105 giao bộ thực hiện 5 nhiệm vụ, tới nay tất cả nhiệm vụ này đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, bộ đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 và trình Chính phủ với hướng tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong triển khai hỗ trợ DN, bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng.

Cũng theo ông Dung, chỉ 4 tháng qua, bộ đã phối hợp với các bộ ngành tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị quyết hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Bên cạnh Nghị quyết 68, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP với tổng giá trị khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp áp dụng từ ngày 1/10. Trong đó hỗ trợ bằng tiền với tất cả người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tổng trị giá khoảng 30 nghìn tỷ đồng (dự kiến hỗ trợ hơn 12,8 triệu người); giảm đóng về 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho DN trong 12 tháng, với tổng tiền giảm khoảng 8 nghìn tỷ đồng (dự kiến hơn 386 nghìn DN hưởng lợi). “Đây là những chính sách chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách, là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên mọi mặt của đời sống xã hội và DN”, ông Dung nói.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm: “Ai, cơ quan, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với người dân, DN. Cá nhân, cơ quan, địa phương nào để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân. Trong xây dựng các chính sách, bộ và các cơ quan liên quan vừa chạy vừa xếp hàng để trình, từ bộ trưởng tới cán bộ đều làm ngày làm đêm để kịp triển khai hỗ trợ nhanh nhất tới người lao động và DN đang khó khăn”.

Với một số vướng mắc khác của DN, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn thống nhất tới các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, tiếp nhận chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Để hỗ trợ DN tăng năng suất, bộ này đang nghiên cứu, lấy ý kiến các bên liên quan về tăng giờ làm thêm trong tháng với một số lĩnh vực, ngành nghề, nhưng tối đa không quá 300 giờ/năm. “Để sản xuất sớm trở lại bình thường, bộ tiếp tục đề xuất Chính phủ ưu tiên tối đa tiêm vắc-xin COVID-19 cho công nhân, bởi đây là lực lượng quyết định trong việc tăng trưởng kinh tế, duy trì hoạt động của DN”, ông Dung nói thêm.