Hiện nay có tới hàng chục nghìn hộ dân đang cư ngụ, sinh sống trong các chung cư hư, cũ xuống cấp tại TPHCM. Sống trong trạng thái luôn thấp thỏm không yên ngay cả trong giấc ngủ...
Sống chung với nỗi lo động đất, sập nhà…
Đã hơn 24 tiếng kể từ khi trận động đất sau cùng (lúc 14 giờ 50 ngày 8/11) nhưng gia đình chị Lê Thị Anh Đào ở lô M, chung cư Nguyễn Kim, quận 10 vẫn chưa hết bàng hoàng.
Chị kể: Tuy không làm căn hộ bị nứt, nhưng cả hai trận động đất đều làm block chung cư của chị bị rung lắc dữ dội. Đồ đạc trong nhà bị dịch chuyển rất đáng sợ nên chị và hàng trăm người dân đang cư ngụ tại đây phải chạy xuống dưới đất. Đến hôm nay, không ít người vẫn còn đang tá túc ở nơi khác, chưa dám quay trở về.
Theo tường trình của nhiều hộ dân vào chiều ngày 9/11, tình trạng hoảng loạn khi động đất xuất hiện như ở chung cư Nguyễn Kim cũng xảy ra tương tự tại các lô của chung cư Ngô Gia Tự, quận 10.
Cũng như nhiều nơi khác, người dân sợ các cao ốc đã có nhiều vết nứt này bị đổ sập khi động đất xuất hiện, nỗi lo của hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống tại hai chung cư này còn lớn hơn.
Đó là tòa nhà mà họ đang phó thác sinh mệnh của mình và gia đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng và có thể đổ sập bất kì lúc nào – cho dù động đất có xảy ra hay không. Kết quả kiểm định mới đây của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy chất lượng của nhiều block chung cư chỉ còn chưa đến 50%. UBND TPHCM đã phê duyệt kế hoạch tháo dỡ các lô M, N, O… nhưng đến nay, sự việc vẫn đang giẫm chân tại chỗ.
…nhưng hầu hết người dân đều không muốn di dời
Báo Tiền phong đã từng thông tin về sự xuống cấp nghiêm trọng của hầu hết các block chung cư cao 4 tầng tại cư xá Thanh Đa (phường 27, Bình Thạnh), trong đó 2 lô chung cư số 4 và số 6 thuộc khu 2 có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo kết quả kiểm định của Cty Kiểm định xây dựng Sài Gòn, 2 cao ốc này bị lún và nghiêng chụm vào nhau, tạo thành hình thang. Ước tính cả 2 tòa nhà đều bị lệch một góc từ 7 – 10 độ so với phương thẳng đứng.
Khu vực Thanh Đa là một trong những địa điểm có độ rung chấn mạnh nhất trong trận động đất xảy ra vào chiều ngày 8/11 vì nằm cạnh đứt gãy sông Sài Gòn - nguyên nhân gây ra trận động đất này. Trò chuyện với chúng tôi, một số người dân ở đây nói họ sợ chung cư sập đến mất ăn mất ngủ…
Thế nhưng, dù biết tai họa đang treo lơ lửng nhưng phần lớn gia chủ ở đây nhiều năm qua đều phản đối chủ trương giải tỏa, di dời xây dựng chung cư mới của UBND TPHCM. Bởi đa số hộ dân ngụ trong chung cư thuộc diện xóa đói giảm nghèo và có thu nhập thấp.
Vì vậy, ai cũng lo lắng sẽ không đủ khả năng mua các căn hộ tái định cư khi chấp hành chủ trương giải tỏa. Mặt khác, nhiều căn hộ chung cư được chia nhỏ thành nhiều căn hộ ổ chuột, cơi nới thêm nhằm tăng diện tích sử dụng.
Không ít căn hộ dạng này đã được mua bán trái phép nhiều lần bằng giấy tay nên người dân không đồng ý với chính sách đền bù, hỗ trợ theo quy định hiện hành, vì cho rằng quá thiệt thòi…
Kết quả kiểm định chất lượng các chung cư sau động đất sẽ có trong 1 - 2 ngày tới
Trao đổi với PV Tiền phong chiều 9/11, lãnh đạo Cty Kiểm định xây dựng Sài Gòn cho biết ngay tối 8/11, theo yêu cầu của UBND TPHCM, Cty đã tổ chức nhiều tổ chuyên gia đến hiện trường các chung cư cũ nát tại TPHCM và tiến hành khảo sát giám định sơ bộ về chất lượng của các tòa nhà sau khi động đất xảy ra.
Có hơn 10 chung cư nằm rải rác trên địa bàn các quận nội thành được kiểm tra như: Chung cư Nguyễn Công Trứ, chung cư Cô Giang, chung cư 289 Trần Hưng Đạo (quận 1); chung cư Ngô Gia Tự, chung cư Nguyễn Kim, chung cư Nguyễn Tri Phương (quận 5)… kết quả kiểm định sẽ được báo cáo cho UBND TPHCM trong 1 – 2 ngày tới.