Đón quy hoạch phân khu đô thị sông hồng: Ồ ạt lấn chiếm, xây dựng trái phép

TP - Thời gian gần đây, người dân ồ ạt chia lô, quây tôn, xây nhà trên đất nông nghiệp ven sông Hồng. Nhiều khu vực còn diễn ra cảnh giao dịch mua đi, bán lại khá nhộn nhịp.
Nhà xưởng, nhà cấp 4 ồ ạt mọc trên đất nông nghiệp. Ảnh: Mạnh Thắng

Quán gội đầu kiêm văn phòng giao dịch nhà đất

Dọc theo sông Hồng từ khu vực cầu Vĩnh Tuy (thuộc phường Long Biên) tới cầu Long Biên (phường Ngọc Lâm) là bãi đất, cát trải dài hàng chục km. Anh Nguyễn Quang Minh (ở Ngọc Lâm, Long Biên) cho biết, mấy năm trước đây, dọc ven 2 bờ sông Hồng là triền cát trải dài. Tuy nhiên những triền cát này đang dần biến mất theo thời gian, phần do cát tặc hoành hành, phần do người dân đổ rác thải lấn chiếm. Lấn chiếm xong, có lô đất được quây tôn, thép b40, có thửa đất được xây dựng nhà tạm rồi dần biến thành nhà kiên cố.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều cửa hàng kinh doanh tạp hoá, cắt tóc gội đầu được hoán cải thành văn phòng nhà đất tại khu vực này. Ghé vào 1 văn phòng giao dịch nhà đất, kiêm cắt tóc gội đầu, chúng tôi được chị Trần Thị V. quảng cáo giới thiệu thông tin về hàng trăm lô đất ven sông Hồng, khu vực phường Ngọc Thụy, Long Biên.

Theo chị V., tại khu vực này, đất ruộng, đất bãi bồi thường được người dân giao dịch trung bình từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên thời gian gần đây, do nhiều người về đây hỏi mua nên giá được đẩy lên từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, mảnh đất nào được quây tôn, có điện, nước sẽ được giao dịch với giá cao hơn từ 2 đến 3 triệu đồng/m2.

Mua, bán đất nông nghiệp bằng giấy viết tay

Chạy dọc đường Thạch Cầu (phường Long Biên), hai bên là các nhà xưởng, được quây tôn, thậm chí nhà cấp bốn, trải dài cả cây số. Kết thúc đoạn đường này là con đường Nước Sạch. Anh Trần Văn Tú, ở khu vực đường Thạch Cầu (phường Long Biên) cho biết, đường Nước Sạch do người Nhật làm cách đây hơn chục năm. Dọc con đường này có 8 cái giếng khoan, mục đích lấy nước phục vụ cho Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội.

Con đường Nước Sạch rộng khoảng 20m, dài tới 3km. Đáng chú ý, dọc 2 bên đường này là các ô đất đã được cắm cọc, quây tôn, nhiều ô đã trở thành nhà xưởng, gara ô tô, nhà ở…

Trên đường Nước Sạch, chúng tôi bắt gặp một căn nhà được dựng bằng luồng, mái lợp lá cọ, ngoài cổng có đề biển cho thuê nhà xưởng cùng số điện thoại kèm theo.

Liên lạc theo số điện thoại, 1 người đàn ông bắt máy giới thiệu tên Thắng, chủ nhà.  Chúng tôi xin gặp mặt, người đàn ông này hẹn cuối tuần quay lại.

Đúng hẹn chúng tôi quay lại gặp anh Thắng, một người đàn ông trung tuổi. Mở màn cuộc gặp, anh Thắng giới thiệu là dân bản địa. Anh giới thiệu cặn kẽ lịch sử từng lô đất và phân tích ý nghĩa con đường Nước Sạch: “Con đường Nước Sạch án ngữ bởi sân bay Gia Lâm. Chính vì thế, sẽ không có dự án nào quy hoạch vào khu vực này. Đất bãi để thoát lũ nên chả ai dám đặt bút phê duyệt làm dự án này, dự án nọ. Đất này chỉ để cho dân ở”.

“Người anh em cứ an tâm, thuê xưởng dựng sẵn hay đất trống đều có, diện tích từ vài trăm đến vài nghìn m2 đều sẵn. Đất của nhà tôi đã dựng xưởng và cho thuê rồi, giờ chỉ còn đất của người thân và hàng xóm”, anh Thắng nói.

Theo anh Thắng, thuê đất trống giá là 5 triệu đồng/m2, đất đã dựng xưởng có điện, nước là 10 triệu đồng/m2. Tôi thắc mắc, tại sao chỉ dựng vài tấm tôn với lắp điện, nước, giá lại cao thế? Anh Thắng giải thích: “Người anh em thân mến! Đây là vấn đề tế nhị, không phải là tiền vật liệu, công lắp mà là “quan hệ”…, mà phải có uy tín, quan hệ từ từ. Giờ người ta cảnh giác lắm, chứ không phải “tiền trao cháo múc” như trước”.

Chúng tôi hỏi về nguồn gốc đất, anh Thắng cho biết, ở đây có 3 loại: một là đất nông nghiệp, hai là đất thương binh, ba là đất khai hoang. Theo anh Thắng, mua bán những lô đất này chỉ có giấy viết tay, nếu cần xác nhận của chính quyền lại là vấn đề tế nhị tiếp theo...

Ðiện, nước chi tiền là có

Chúng tôi chạy xe xuôi về phía cầu Thanh Trì tiếp cận 1 văn phòng nhà đất. Gọi là văn phòng nhưng thực chất là một túp lều được dựng tạm bợ, phông bạt in chi chít tên thông tin về các lô đất và số điện thoại.

Vừa xuống xe, một người đàn ông bước ra tự giới thiệu tên là Minh mời chúng tôi uống nước, nói: “Người anh em đầu tư đất đúng không? Người anh em tìm đúng nơi đúng chỗ rồi đó. Ở đây chỉ cung cấp thông tin chính xác, giúp khách hàng an tâm, trao đổi mua, bán”.

Theo Minh, đất ở đây không còn nhiều, còn một hai lô, tất cả đã được dựng nhà xưởng và cho thuê. “Người anh em muốn kiếm vài tỷ, tôi bày cho, coi như giúp nhau. Với mảnh đất này, nay đầu tư 5 triệu/m2, nhưng tôi hứa 5 năm sau sẽ là 50 triệu, thậm chí 100 triệu đồng/m2, mà chắc gì đã còn để mua”, Minh nói.

Minh cũng tự giới thiệu là dân thổ địa, và hứa giúp lắp điện, nước nếu mua đất ở đây. “Với điện chỉ 25 triệu đến 30 triệu đồng cấp cho 1 lô đất. Em không có quan hệ, nếu mua đất không, một chiếc cọc sắt cũng không dựng được huống gì nhà xưởng. Đây là quan hệ của anh, phải xây dựng “trường kỳ” chứ đâu phải ngày một ngày hai. Em không tin, mai anh chỉ cho miếng đất trống, ra đó dựng thử xem có tồn tại được một giờ đồng hồ không, “đất có thổ công, sông có hà bá”, các cụ nói rồi”, Minh quả quyết.

Mới đây, UBND TP Hà Nội thông tin về phạm vi nghiên cứu, quy hoạch không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, diện tích khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Trong phạm vi quy hoạch, nhiều cây cầu được triển khai xây dựng như, Hồng Hà, Thượng Cát, Thăng Long Mới, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy 2, Mễ Sở… Nắm bắt được thông tin này, nhiều đối tượng “cò”, trung tâm môi giới bất động sản mọc lên như nấm khiến nhà, đất ven 2 bờ sông Hồng trở nên sôi động.