Ngày 25/3 (giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Israel và lực lượng Hamas ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và thả tất cả con tin. Nhân dịp này, chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế Phạm Phú Phúc trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về ý nghĩa của sự kiện này.
Mỹ bỏ phiếu trắng, 14 thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết do 10 thành viên không thường trực đệ trình. Đây là lần đầu tiên HĐBA yêu cầu các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn ngay lập tức, dù chỉ giới hạn trong tháng Ramadan.
Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc HĐBA thông qua một nghị quyết như vậy?
“Nghị quyết không đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của Hamas và các nước Ả-rập rằng Israel phải rút quân về nước. Chừng nào quân Israel còn đó thì “thùng thuốc súng” Dải Gaza vẫn có thể nổ bất kỳ lúc nào”.
Chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế Phạm Phú Phúc
Ông Phạm Phú Phúc: Trong bối cảnh đã có hơn 32.000 người Palestine thiệt mạng, nạn đói khủng khiếp đang đe dọa người dân Palestine ở Dải Gaza, bao nhiêu lời kêu gọi và hàng loạt cuộc đàm phán cũng chưa thể mang đến lệnh ngừng bắn (ngoại trừ lệnh ngừng bắn ngắn ngủi vào tháng 11/2023), đến giờ mới có một nghị quyết mang tầm ảnh hưởng toàn cầu từ HĐBA. Riêng điều đó đã cho thấy ý nghĩa của nghị quyết này.
Từ khi nổ ra cuộc xung đột Israel - Hamas ngày 7/10/2023, nhiều dự thảo nghị quyết được trình lên HĐBA, nhưng chưa văn bản nào được thông qua. Trong 5 thành viên thường trực, nếu bên này đề xuất thì bên kia bác bỏ và ngược lại, chưa kể các thành viên không thường trực. Lần này, nghị quyết được thông qua gần như tuyệt đối, trừ một phiếu trắng.
Theo quy định của HĐBA, chỉ cần 1 trong 5 nước thường trực (gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) bỏ phiếu chống thì nghị quyết bị bác bỏ. Nếu 1 trong 5 nước bỏ phiếu trắng nhưng các thành viên còn lại ủng hộ thì nghị quyết được thông qua.
Trong bối cảnh cả thế giới đã chứng kiến sự khốn đốn của người dân ở Dải Gaza, 10 thành viên không thường trực HĐBA nhìn thấy 5 thành viên thường trực liên tục bác dự thảo của nhau, không thể thuyết phục nhau và các thành viên còn lại. Vì thế, lần này nhóm các quốc gia không thường trực hợp lực lại để trình dự thảo, cho thấy sức mạnh và trí tuệ tập thể đáng kể của nhóm này.
Tình hình an ninh - chính trị thế giới hiện nay cực kỳ phức tạp, gần đây nhất là vụ tấn công khủng bố ở sát thủ đô Mátxcơva, trong khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng; Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chia rẽ với những quan điểm như việc Pháp tính chuyện đưa bộ binh đến Ukraine. Trong bối cảnh đó, HĐBA ra được một nghị quyết như vậy là điều có ý nghĩa lớn.
Sự thay đổi đáng kể
Điểm đáng chú ý lần này là Mỹ bỏ phiếu trắng cho nghị quyết, thay vì phiếu chống như những lần trước. Ông đánh giá như thế nào về hành động này?
Trong lịch sử cận đại từ năm 1948, khi nhà nước Do Thái ra đời, Mỹ là đồng minh số 1, ủng hộ Israel bằng mọi cách. Thế nhưng, khi Israel đáp trả Hamas quá mức cần thiết sau sự kiện ngày 7/10/2023, Mỹ cảm thấy không ổn. Khi nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay, hai vấn đề đối ngoại quan trọng mà cử tri Mỹ quan tâm là cuộc chiến ở Trung Đông và xung đột Nga - Ukraine. Washington rất muốn ổn định hai điểm nóng này để chính quyền của Tổng thống Joe Biden có “hồ sơ đẹp” trước cuộc bầu cử. Washington tìm nhiều cách thuyết phục Israel hạn chế gây thương vong cho dân thường Palestine ở Dải Gaza, nhưng Israel kiên quyết từ chối. Cần nhấn mạnh rằng Mỹ không yêu cầu Israel rút quân khỏi Dải Gaza hay chấm dứt hẳn chiến dịch quân sự như thế giới mong đợi, mà chỉ muốn Israel kiềm chế. Israel vẫn kiên quyết không nghe. Những đợt tấn công gần đây như giọt nước tràn ly, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden cũng chịu sức ép từ một bộ phận cử tri về việc ủng hộ Israel. Vì thế, Mỹ lần này thay đổi, chuyển từ bỏ phiếu chống như với tất cả dự thảo nghị quyết mà các bên khác trình lên HĐBA từ 7/10/2023 đến nay sang bỏ phiếu trắng. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield khẳng định đây không phải sự thay đổi chính sách của Mỹ, nhưng ai cũng nhìn thấy đó là thay đổi.
Đáng tiếc là nghị quyết lần này không có nội dung yêu cầu Israel rút quân khỏi Dải Gaza. Đó là một trong những yêu cầu cơ bản nhất của Hamas, như họ đã nêu ra trong các cuộc đàm phán ở Ai Cập, Qatar… Tuy nhiên, nghị quyết được thông qua cũng là điều tốt rồi. Đưa thêm hàng viện trợ và thuốc chữa bệnh đến cho người dân Palestine ở Dải Gaza cũng là điều quý lắm rồi.
Ông nhận định thế nào về tác động của nghị quyết, liệu có thể khiến Israel phải thay đổi tính toán của mình và thế giới có thể hy vọng cuộc chiến sắp chấm dứt?
Tôi muốn nhấn mạnh nghị quyết của HĐBA khác nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về tính ràng buộc pháp lý. Trong khi nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc, tất cả thành viên LHQ, đặc biệt là các thành viên liên quan, đều phải tuân thủ nghị quyết của HĐBA.
Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc ở LHQ và thường xuyên theo dõi quá trình sau khi các nghị quyết được thông qua, tôi thấy rằng kể cả nghị quyết của HĐBA không phải lúc nào cũng được tuân thủ triệt để.
Nghị quyết lần này giống như một “đòn ngoại giao” đối với Israel. Phản ứng với bước đi này, Israel ngay lập tức huỷ đoàn cấp cao dự kiến thăm Washington, đồng thời vẫn tuyên bố họ có quyền tự vệ. Tôi nghĩ trước mắt tình hình sẽ dịu đi, nhưng thực hiện nghị quyết đến đâu còn phải chờ thái độ của Israel.
Một khi nghị quyết được thực hiện, dù không thể đầy đủ những yếu tố mang lại hòa bình, ổn định và tái thiết Dải Gaza, nhưng ít nhất cũng cứu vãn vùng đất này khỏi cuộc đại khủng hoảng nhân đạo và nạn đói tràn lan.
Cảm ơn ông.