Video: Người dân làng bánh đa chạy đua làm hàng Tết.
Hàng năm, cứ đến tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), những hộ dân làng nghề bánh đa Đông Nhật (xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lại ăn ngủ với nghề để kịp đơn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Trên khắp đường làng, đường đê, những giàn phơi bằng tre, nứa được người dân dựng lên vừa khít với khuôn các phên bánh.
Ông Đinh Văn Cường (SN 1970, trú xóm 6, xã Châu Nhân) cho biết, trước đây gia đình ông chủ yếu
tráng bánh bằng nồi rất vất vả. Để giải phóng sức lao động, tăng năng suất, hiện gia đình đã đầu tư sắm dây chuyền tráng bánh bằng máy.
“Dịp Tết, đơn hàng tăng gấp 3 lần ngày thường nên phải tăng ca sản xuất. Mỗi ngày gia đình tôi tráng khoảng 2 tạ gạo được hơn 3.000 chiếc bánh đa. Dây chuyền sản xuất sẽ có hai người chuyên bám máy để lấy bánh, rải bánh lên phên và hai người chuyên chở bánh đi phơi”, ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, bánh đa ở đây được làm từ gạo, vừng đen, có hình vuông và được phơi trên những tấm phên tre truyền thống. Gạo làm bánh sẽ được ngâm vào tối hôm trước, xay hoàn chỉnh. Khoảng 4 giờ sáng, cả nhà bắt tay vào tráng bánh.
Ở đây, bánh đa được người dân sản xuất quanh năm. Dịp Tết, đơn đặt hàng tăng cao, người dân phải tập trung tăng ca sản xuất.
Bánh sau khi tráng sẽ được mang đi phơi.
Bà Bạch Thị Yến (SN 1973, trú xóm 6, xã Châu Nhân) cho hay, làm bánh đa có nhiều công đoạn, nhưng phơi bánh là khâu quan trọng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Tùy theo nhiệt độ, người làm nghề căn khoảng thời gian phù hợp để bánh đủ độ khô, không quá giòn.
“Những ngày nắng, bánh đa chỉ cần phơi 2 giờ đồng hồ là có thể thu cất, còn mùa đông phải phơi khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Trời càng nắng, bánh đa sẽ càng nhanh khô và sẽ thơm ngon hơn. Dịp Tết, số lượng bánh đa làm ra không đủ bán. Bánh đa được tiêu thụ rộng khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh”, bà Yến nói.
Trong quá trình phơi, người dân phải canh bánh thường xuyên, căn giờ thu cất hợp lý, không để bánh phơi quá lâu sẽ cứng, cong, khó xếp, khó nướng.
Bánh sau khi phơi đủ nắng sẽ được gom lại và đưa về nhà, đóng thành từng tệp để bán. Hàng làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Thu Hiền