Trong cuộc họp báo chung sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông và Thủ tướng Shinzo Abe vừa có một cuộc hội đàm rất thành công, đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy về chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vào mùa xuân năm 2017 thành công tốt đẹp. “Năm nay, Việt Nam là nước chủ tịch APEC, tôi rất mong chờ cơ hội được đến Việt Nam một lần nữa vào mùa thu năm nay”, ông Abe nói. Hai Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh - quốc phòng, trong đó có lĩnh vực rà phá bom mìn và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm
Về hợp tác kinh tế, hai bên đạt nhận thức chung về việc thúc đẩy triển khai kết nối hai nền kinh tế thông qua thúc đẩy đầu tư, thương mại, ODA và hợp tác trong các lĩnh vực có thể bổ trợ cho nhau như hợp tác địa phương, nông nghiệp, lao động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua cung cấp nguồn vốn ODA và đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trọng điểm quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu… Nhật Bản sẵn sàng thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ cao, đầu tư trong các hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp nhà nước, đào tạo cán bộ, tạo điều kiện để người Việt Nam du lịch Nhật Bản, thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Hai bên nhất trí triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng như sáng kiến chung Nhật - Việt giai đoạn 6 nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam; tiếp tục triển khai các dự án lớn về cơ sở hạ tầng hai nước, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam… Hai Thủ tướng hoan nghênh việc có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tháp tùng Thủ tướng Abe thăm Việt Nam cũng như việc hai nước lần đầu tiên tổ chức tọa đàm giữa lãnh đạo địa phương Việt Nam và lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản và tin rằng, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư giữa hai nước thời gian tới.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác Việt - Nhật trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác địa phương và tăng số lượng và lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật Bản cấp phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ của Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo Việt Nam cấp phép nhập khẩu quả lê của Nhật Bản.
An ninh, an toàn, tự do hàng hải
Hai Thủ tướng cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Thủ tướng Abe khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, việc xúc tiến nhanh chóng để TPP có hiệu lực đã được xác nhận qua chuyến công du Việt Nam lần này. Thành quả của TPP là trụ cột để hướng đến các hiệp định mức độ lớn hơn, chất lượng lớn hơn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Nhật Bản sẽ luôn là ngọn cờ đầu trong cơ chế tự do thương mại.
Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, các bên liên quan không có những hành động gây căng thẳng và quân sự hóa dẫn đến thay đổi nguyên trạng tại biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Trong cuộc họp báo quốc tế tối qua, Thủ tướng Abe nói rằng, dòng sông Hồng chảy qua Hà Nội, hướng ra biển Đông tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo. Không có gì có thể ngăn chặn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước được gắn kết bởi vùng biển tự do. Philippines, Indonesia, Úc - những quốc gia ông Abe đến thăm lần này cùng chia sẻ vùng biển rộng mở có tên là Thái Bình Dương và cùng chia sẻ các giá trị cơ bản với Nhật Bản. Nguyên tắc an ninh, an toàn, tự do hàng hải có vai trò cực kỳ quan trọng, và để thực hiện được điều đó, việc thượng tôn pháp luật sẽ phải được quán triệt một cách đầy đủ, ông Abe nói. Đó là nhận thức đã được tất cả các nước hoàn toàn nhất trí cùng Nhật Bản.
Nhật Bản sẽ cung cấp các tàu tuần tra, hỗ trợ thực thi pháp luật trên biển cho Việt Nam, Philippines, Thủ tướng Abe cho biết. Ông và Tổng thống Indonesia Joko Wikodo đã đồng ý thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, phát triển hải đảo. Ông và Thủ tướng Úc nhất trí củng cố hợp tác an ninh - quốc phòng bằng các biện pháp như xây dựng khuôn khổ mới về cung cấp cho nhau vật tư và hậu cần trong phòng vệ. Nhật Bản, Úc, Mỹ, Ấn Độ đã cùng xác nhận tầm quan trọng của sự liên kết hợp tác giữa các nước, cùng chia sẻ giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược, Thủ tướng Abe nói. Dựa trên nền tảng vững chắc là quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, Nhật Bản sẽ xây dựng một nền hòa bình ở châu Á, vành đai Thái Bình Dương, giữa các nước gắn kết với Nhật Bản bằng biển cả và xa hơn nữa là khu vực Ấn Độ Dương. Để làm được như vậy, Nhật Bản sẵn sàng thực hiện vai trò to lớn của mình trên tinh thần Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ông Abe nói.
Chiến lược mới
Trong cuộc gặp thông báo kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Abe với báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kawamura Yasuhisa tối qua cho biết, nhân chuyến thăm này, ông Abe thông báo Nhật Bản sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam, với tổng trị giá 38,5 tỷ yen dưới dạng vốn vay ưu đãi. Thời gian đóng và chuyển giao tàu vẫn được hai bên thảo luận, ông Yasuhisa nói.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh, việc Thủ tướng Abe đang tích cực thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhằm duy trì một trật tự trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tăng cường kết nối giữa các quốc gia giáp với hai đại dương và thúc đẩy sự thịnh vượng trong khu vực. Ông Yasuhisa nói rằng, chiến lược mới này của Nhật Bản không phải để cạnh tranh với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, không phải để kiềm chế Trung Quốc và Nhật Bản cũng không loại bỏ Trung Quốc khỏi chiến lược này. Ông Yasuhisa cho biết, chiến lược mới này gồm 3 trụ cột: Thúc đẩy tự do hàng hải trên hai đại dương; Tăng cường kết nối thông qua việc hỗ trợ các nước xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển, tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện; tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các nước tham gia để chống cướp biển, ứng phó thảm họa...
Chiều 16/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng phát triển và không ngừng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Cũng trong chiều qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp thân mật Thủ tướng Shinzo Abe; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Shinzo Abe.
Các văn kiện hợp tác
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe chứng kiến lễ trao đổi văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước gồm: (i) Công hàm trao đổi ODA vốn vay cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu chu kỳ 7 (trị giá 10 tỷ yen); (ii) Công hàm trao đổi cho Dự án viện trợ không hoàn lại cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cung cấp trang thiết bị tăng cường năng lực bảo đảm an ninh đường thủy (300 triệu yen); (iii) Hiệp định vay ODA cho Dự án Quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh (11 tỷ yen); (iv) Hiệp định vay ODA cho Dự án Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu chu kỳ 7 (10 tỷ yen); (v) Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Công ty Dệt may Itochu, thuộc Tập đoàn Itochu Nhật Bản; (vi) Thỏa thuận đầu tư dự án nhiệt điện Vũng Áng 2.