Quê ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Thượng tá Việt, Đồn trưởng Đồn BP 707, có nước da sạm đen vì sương gió biên thùy, nơi anh gắn bó từ những năm 80 của thế kỷ trước. “Tuyến biên giới vốn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đời sống bà con lại rất khó khăn, mình không giúp họ thì ai giúp?”, Thượng tá Việt tâm sự.
Ngoài việc giúp người dân thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lạc hậu, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) còn áp dụng nhiều mô hình mới để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Xuất phát từ chủ trương của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum, năm 2006, 5ha cây cao su được những người lính vốn quen cầm súng trồng thử nghiệm ngay tại vạt rừng phía sau đơn vị.
“Những ngày đầu, chưa quen với nhiệm vụ mới, hầu hết chiến sĩ lóng nga lóng ngóng, nhưng rồi mọi thứ cũng đâu vào đấy. Sau đó, chúng tôi mời các già làng đến xem để vận động bà con cùng trồng loại cây cho lợi ích kinh tế cao này”, Thượng tá Việt kể.
Là sĩ quan trẻ quê ngoài Bắc, Đại úy Hạnh (Đồn phó quân sự) và Thượng úy Hiệp (Đồn phó nghiệp vụ) về đồn công tác từ cuối năm 2009. Ngoài những lá thư của vợ từ cách xa hàng nghìn cây số, hai sĩ quan lấy việc canh tác cao su cùng người dân làm niềm vui. “16ha cao su cùng hàng nghìn gốc cây ăn trái là tâm huyết của tất cả chúng tôi. Đây vừa là nguồn hậu cần tại chỗ vừa là nơi để chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ gia đình. Một phần thu nhập từ các loại hoa trái được trích gây quỹ hoạt động Đoàn”, Đại úy Hạnh cho biết.
Gia đình ông AGlá, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai, là hộ đầu tiên áp dụng mô hình trồng cây cao su tiểu điền của BĐBP. Từ 2ha ban đầu, đến nay, gia đình ông AGlá có 5ha cao su xanh tốt. Từ đó, cùng sự hỗ trợ của BĐBP như giúp đào hố, trồng cây, hàng chục hộ khác trong xã cũng làm theo, trồng trên 100 hecta cao su. Thu nhập từ cây cao su giúp cuộc sống của hàng loạt hộ gia đình khấm khá hẳn.
Lấy ngắn nuôi dài, BĐBP còn chỉ cách cho bà con trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như lúa, sắn, ngô để bổ sung nguồn lương thực và làm thức ăn chăn nuôi. Đồn cũng lập Ban chỉ đạo và cử cán bộ thường xuyên bám rẫy, bám vườn, cùng người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cao su.
Đồn biên phòng 707 thành lập ngày 17-5-2004 có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài trên 21km, với 5 mốc quốc giới. Địa bàn đồn quản lý có 11 dân tộc anh em sinh sống với gần 2.200 nhân khẩu, chủ yếu là người Gia Rai và Rơ Mâm.