Đổi chác

TP - Chuyện CHDCND Triều Tiên đồng ý tạm ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trở lại thanh sát nước này có vẻ như là một chiến thắng của giới ngoại giao Mỹ.

> Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình hạt nhân

Nhưng đối với những ai theo chủ nghĩa bi quan thì rất có thể đây chỉ là một tập mới của một series phim truyền hình dài lê thê không ai rõ khi nào là hồi kết.

“Thiện chí” của phía Bình Nhưỡng đã được “đền đáp” bằng quyết định viện trợ 240.000 tấn lương thực cho quốc gia được nói là trong một thời gian dài luôn rơi vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng.

Tuy nhiên, Triều Tiên chưa từng thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa trong vòng ba năm trở lại đây. Vì sao vấn đề này lại được khơi lên? Câu trả lời nằm trong lịch sử “giao tế” giữa Mỹ và Triều Tiên.

Các nhà quan sát thống kê rằng, cứ bốn năm một lần, Bình Nhưỡng lại có động thái nhượng bộ trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ và Washington trong thời điểm ấy cũng dễ dàng hơn trong việc quyết định viện trợ.

Chuyện “được thua” giữa đôi bên không vì thế mà rõ ràng bởi còn tùy vào diễn biến cụ thể. Theo thỏa ước, Mỹ sẽ cung cấp 20.000 tấn lương thực/tháng cho phía Triều Tiên.

Bình Nhưỡng sẽ phải đình chỉ hoạt động làm giàu uranium ở Yongbyon. Bề ngoài, mọi việc có vẻ ổn nhưng không phải đã hết mắc míu.

Triều Tiên tuyên bố tính nghiêm túc trong việc Bình Nhưỡng tuân thủ các điều khoản sẽ phụ thuộc vào tiến bộ trong đàm phán với Mỹ.

Vậy qua thỏa thuận mới này, Mỹ và Triều Tiên nhắm đến những cái đích nào? Có thể thấy rằng, ít nhất, với 240.000 tấn lương thực, Triều Tiên tạm quên đi tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Hơn nữa, lãnh đạo Triều Tiên hẳn muốn cho thế giới thấy rằng tuyên bố muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ là thành thực, trước khi tiếp cận với Nhật Bản và các nước đồng minh khác của Washington.

Không những thế, tân lãnh đạo Triều Tiền còn cho thấy ông muốn tỏ ra tôn trọng cộng đồng quốc tế.

Người Mỹ đã duy trì quan hệ tạm gọi là thân thiện với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Bill Clinton nửa sau thập niên 90 của thế kỷ trước, ngay cả khi ông Clinton tái đắc cử.

Quan hệ song phương xấu đi trông thấy dưới thời chính quyền Bush nhưng các cuộc đàm phán về hạt nhân được nối lại vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Khi ông Obama của đảng Dân chủ lên nắm quyền, ông bị cuốn vào hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan nên ít có thời gian để mắt đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Dịp này cũng là lúc Mỹ cập nhật lại tình hình trên bán đảo Triều Tiên, cũng là những bước thăm dò ban lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng.

Nhưng, nếu căn cứ lịch sử quan hệ Mỹ - Triều, có thể khẳng định rằng thỏa thuận mới đạt được giữa hai nước khó có thể giúp giải quyết tận gốc vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay tăng cường an ninh khu vực.

Bởi Triều Tiên cho thấy họ luôn coi vấn đề hạt nhân là lá bài quan trọng trong chiến lược ngoại giao của mình và không dễ gì từ bỏ nó.

Theo Báo giấy