'Đọc ngược' Đắc Nhân Tâm: Bí mật của người duy nhất 4 lần đắc cử tổng thống Mỹ

Nhờ một khả năng đặc biệt, Jim Farley - một người xuất thân nghèo khổ đã đưa Franklin Roosevelt vào Nhà Trắng khi ông điều hành chiến dịch tranh cử Tổng thống cho Roosevelt vào năm 1932.
 
 

LTS: Ai đã từng đọc Đắc Nhân Tâm - cuốn sách được First News chú thích trên trang bìa là "hay nhất của mọi thời đại đưa đến hạnh phúc và thành công", hẳn người đó đã có cho mình những chiêm nghiệm nhất định về giá trị của nhiều chân lý mà Dale Carnegie chuyển tải.

Vì sao nhiều điều trong cuốn sách lại xứng tầm chân lý? Đơn giản là vì những điều đó đã được chứng minh đúng trong thực tế: một số người đã áp dụng chuẩn mực các nguyên lý, nguyên tắc đó để đem lại lợi ích vô cùng lớn lao cho cộng đồng, đất nước họ, do vậy được sử sách lưu danh.

Vậy nên, với những ai chưa từng và sẽ đọc Đắc Nhân Tâm, nên chăng hãy dùng một phương pháp đọc ngược với cách thông thường.

Cách thông thường là cầm cuốn sách lên đọc, điều gì "cảm thấy có lý" theo tư duy của mình thì mới làm theo với tâm thế nửa tin nửa ngờ, điều gì "không thấy có lý" theo tư duy thì bỏ qua. Nhưng ít ai để ý, tư duy sẵn có của mỗi người vốn là hệ quả những tri thức, kinh nghiệm họ đã cóp nhặt từ vô vàn loại sách vở, tình huống trong cuộc sống đã trải qua, đúng có nhiều - mà sai cũng vô số.

Hãy thử đọc Đắc Nhân Tâm theo cách mà Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ viết trong trang đầu tiên của phiên bản sách do Hành trình Từ Trái Tim trao tặng: "Bất kỳ ai cũng có thể Thành Công và Hạnh Phúc nếu thực hành và áp dụng hệ thức Thành Công với Đức tin và Ý chí mạnh mẽ".

Nghĩa là, vì những điều đó đã được chứng minh là chân lý, thì hãy tin và làm theo (thay vì so sánh và nghi ngờ). Thực hành theo tất có kết quả, như những vĩ nhân đã cho thấy họ thành công thế nào. Có kết quả rồi, đức tin được hình thành để bạn tiếp tục có thể áp dụng hệ thức thành công vào trong mọi mặt cuộc sống, chứ không phải chỉ riêng cho việc kiếm tiền. Nhưng hãy luôn nhớ, cần có ý chí mạnh mẽ để kiên trì thực hiện, bạn mới thành công!

Bài học thứ tư

NHỚ TÊN NGƯỜI KHÁC

Từ khi sinh ra, ai cũng được cha mẹ cẩn trọng đặt cho một tên gọi. Cái tên ấy sẽ theo họ đi đến hết cuộc đời. Ấy là một món quà thiêng liêng, đến mức, dù một cái tên thường trùng hợp với rất nhiều cái tên khác nhưng mỗi người chúng ta vẫn luôn muốn người khác ghi nhớ, nói ra cái tên đó! 

Hiểu được điều này, Tổng thống Mỹ Roosevelt và người đã giúp đưa ông vào nhà trắng - Jim Farley đã biến khả năng ghi nhớ tên người khác trở thành một sức mạnh, đạt được nhiều mục tiêu lớn lao trong cuộc đời, sự nghiệp.

Bí mật giúp Jim Farley đưa Franklin Roosevelt vào Nhà Trắng

Jim Farley có xuất thân khá đặc biệt. Cha ông mất sớm vì bị tai nạn ngựa đá tử vong tại chỗ. Là con trai trưởng trong gia đình có 3 anh em trai, từ năm lên 10 tuổi, Jim Farley đã phải bỏ học để làm việc kiếm sống tại một nhà máy gạch. Cậu làm đủ mọi việc từ đẩy xe xúc, đổ đất vào khuôn rồi sắp gạch đi phơi nắng.

Chân dung Jim Farley

Dù không có may mắn học hành đến nơi đến chốn nhưng với tính tình vui vẻ, hòa nhã, Jim rất dễ gây được thiện cảm với người khác. Cứ như thế, năm tháng trôi qua, cậu bé ngày xưa đã trở thành một người đàn ông từng trải bước vào chính trường. Ông chưa bao giờ được nghe giảng ở một trường Đại học nào cả nhưng trước năm 46 tuổi, 4 trường Đại học đã tặng cho ông nhiều học vị danh dự. Ông trở thành Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc đảng Dân Chủ và là Tổng Giám Đốc của bưu điện Mỹ.

Thành công của Jim đến từ một khả năng rất đặc biệt, đó là tài nhớ tên của mọi người. Theo tiết lộ từ Jim, ông có thể nhớ tên của 50.000 người. Chính khả năng đặc biệt này cũng là "phép màu" giúp Jim Farley đưa Franklin Roosevelt vào Nhà trắng khi ông điều hành chiến dịch tranh cử Tổng thống cho Roosevelt vào năm 1932.

Jim kể rằng, trong những năm lăn lộn với cuộc sống, trải qua rất nhiều nghề, khi thì bán hàng cho một xí nghiệp thạch cao, khi thì phụ trách văn thư Toà thị chính Staniford, ông đã xây dựng được quy tắc nhớ tên người. Mỗi khi mới làm quen với một người nào đó, ông tìm hiểu tên đầy đủ cũng như một vài sự kiện về gia đình, công việc và quan điểm chính trị của người đó. Ông ghi nhớ tỉ mỉ mọi thông tin này vào trí óc như từng chi tiết của một bức tranh. Lần sau khi gặp lại, dù đã một năm sau, ông vẫn có thể bắt tay và hỏi thăm về gia đình hay hỏi về cây trồng ở sân sau nhà người đó. Bằng cách này, ông có được sự quý mến của rất nhiều người.

 

Trước chiến dịch tranh cử Tổng thống của Roosevelt, mổi ngày Jim Farley viết hàng trăm bức thư cho cử tri khắp các Bang miền tây và tây bắc. Sau đó, trong vòng 19 ngày, ông đã đi khắp 20 Bang, gần 20.000 km bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Đến mỗi nơi, ông bày tỏ những trăn trở của mình với cử tri qua các cuộc gặp gở thân mật: uống trà sáng, ăn trưa hay ăn tối rồi lại lên đường bắt đầu một cuộc hành trình mới. Ngay khi trở về miền đông, ông viết thư cho những người thân nhất trong từng vùng mà ông đã đi thăm và hỏi họ danh sách những người đã đến dự buổi nói chuyện của ông. Cuối cùng gộp lại, danh sách đó lên tới hàng chục ngàn cái tên. Thế mà, từng người một trên danh sách này đều nhận được thư riêng của Jim Farley. Những bức thư thường bắt đầu bằng "Bill thân mến" hay " Charles thân mến" và bao giờ cũng được ký tên đơn giản là "Jim".

Jim Farley đã sớm phát hiện rằng mọi người bình thường đều quan tâm đến tên riêng của mình nhiều hơn mọi cái tên riêng khác trên trái đất này cộng lại. Chỉ cần nhớ tên riêng của từng người, phát âm nó chuẩn xác là bạn đã tặng một lời khen tế nhị và rất hiệu quả cho người đó. Còn như nếu bạn quên, phát âm sai tên người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn tự đặt mình vào một tình cảnh rất khó chịu.

Hầu hết chúng ta không nhớ được tên người khác, đơn giản chỉ vì chúng ta thường đổ lỗi là do bận rộn mà không dành thời gian và công sức cần thiết để tập trung nhớ, lặp đi lặp lại và khắc sâu những thông tin đó vào tâm trí của mình.

Đối với nhiều người, tên gọi chỉ đơn thuần là một cái tên. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Khi chúng ta có thể nhớ và gọi tên người khác một cách chính xác, thân mật, chứng tỏ chúng ta đã thể hiện một sự quan tâm chân thành đến người đó và dĩ nhiên những ai được quan tâm chân thành cũng sẽ dành tình cảm tương tự cho chúng ta.

Bí mật làm nên thành công của cựu Tổng thống Franklin Roosevelt

Giống như người đã giúp đưa mình vào Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt cũng thường dành thời gian ghi nhớ tên của những người mà ông từng tiếp xúc, cho dù họ là ai: chính khách hay chỉ là một người công nhân. 

Chân dung Franklin Roosevelt

Có một câu chuyện khá thú vị được dẫn lại trong cuốn sách Đắc Nhân Tâm như sau: công ty Chrysler sản xuất một chiếc xe riêng cho Tổng thống vì ông không thể sử dụng loại xe bình thường do hai chân bị bại liệt. Và Chamberlain, người của công ty Chrysler đã rất bất ngờ khi đến giao xe đã được Tổng thống gọi bằng tên riêng. Chiếc xe được thiết kế sao cho có thể sử dụng hoàn toàn bằng tay. Trước đám đông đang tập trung xung quanh ngấm nhìn chiếc xe, Tổng thống nói với Chamberlain rằng: "Ông Chamberlain, tôi thật sự cảm kích việc các ông đã bỏ thời gian và công sức, sáng tạo ra chiếc xe này. Quả thật là điều tuyệt vời".

Có thể bạn chưa biết

Franklin D. Roosevelt là Tổng thống Mỹ đầu tiên đắc cử nhiệm kỳ thứ ba và sau đó là nhiệm kỳ thứ 4. Ông là người đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Mỹ đạt được thành tích này.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Tổng thống Roosevelt tái đắc cử tới nhiệm kỳ thứ 4, điều mà cho tới nay chưa có người khác làm được, là vì năng lực lãnh đạo xuất sắc của ông, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật đối nhân xử thế rất được lòng thiên hạ.

Sau khi ngắm nhìn kỹ càng chiếc xe và học cách sử dụng, khen ngợi sự chế tác của từng bộ phận, Tổng thống lịch sự nói với người giao xe rằng: "Ông Chamberlain này, tôi đã để người bên Cục dự trử Liên Bang chờ hết 30 phút rồi, tôi cần phải trở lại làm việc thôi".

Không chỉ có người giao xe Chamberlain mà cả người thợ máy cũng được Tổng thống Roosevelt đối xử rất ân cần. Sau khi rời khỏi Nhà Trắng ra về, vài ngày sau, họ nhận  được một bức chân dung có chữ ký của Tổng thống Roosevelt cộng với lời cám ơn. Lời đầu thư, ông cũng không quên việc gọi tên riêng của từng người. 

Chamberlain thắc mắc, một người bận rộn như Roosevlt tìm đâu ra thời gian để làm điều đó? Nhưng có lẽ một câu hỏi còn đáng bận tâm hơn rằng một người bận rộn như Tổng thống Mỹ còn dành thời gian nhớ tên, thăm hỏi và động viên tới những người mà ông có thể chỉ gặp gỡ một vài lần như vậy còn chúng ta vì sao lại không có đủ thời gian để làm những việc tương tự?

Franklin Roosevelt hay Jim Farrley đều hiểu rằng, tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ. Vì vậy, để thu phục lòng người, bước đầu tiên là phải nhớ tên riêng của tất cả những người ta từng làm quen, tiếp xúc, cho dù họ là ai. Khi gọi tên một người, thông tin mà chúng ta đang trao đổi, hay những câu chuyện giửa hai bên, sẽ trở nên thân mật hơn rất nhiều. Đức tính tốt này muốn được phát triển cần phải rèn luyện bằng nhiều công sức và lòng quyết tâm.

Chiếc xe hơi đặc biệt được chế tác dành riêng cho Roosevelt. Khi trở thành Tổng thống Mỹ, dù mắc bệnh bại liệt nhưng nhờ tài năng và lòng quyết tâm của mình, Roosevelt vẫn chinh phục được các cử tri, khiến họ ủng hộ mình

Nội dung loạt bài 'ĐỌC NGƯỢC' ĐẮC NHÂN TÂM được rút ra từ sách Đắc Nhân Tâm của các tác giả Dale Carnegie, cùng một số tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý Nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.