Độc đáo thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

TP - Đó là đánh giá, khẳng định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trong cả nước về hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức sáng 9/5. Từ tính độc đáo, đặc biệt, riêng có, loại hình di sản này xứng đáng được UNESCO vinh danh.
Độc đáo thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế là hệ thống các đền đài, cung điện, thành quách, lăng tẩm vốn đạt đến sự hài hòa trong quy hoạch và trang trí kiến trúc. Ngoài ra, còn có những yếu tố trang trí khác cũng đạt đến giá trị khu biệt, mà đặc sắc điển hình là hệ thống thơ văn trang trí trên kiến trúc cung đình thời Nguyễn.

Trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, các thảm họa thiên nhiên, Cố đô Huế vẫn còn bảo tồn được số lượng rất lớn hệ thống thơ văn độc đáo. Trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ.

 Hệ thống di sản này là những tác phẩm mỹ thuật được trang trí, thể hiện liên hoàn theo lối “nhất thi nhất họa” và “nhất tự nhất họa” (còn gọi là “nhất triện nhất họa”). Nó gần như là trở thành một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. 

Qua đối chiếu với hệ thống tiêu chí của di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, đồng tình rằng, di sản này phù hợp để xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh.

Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế bảo đảm tính nguyên gốc, nguyên trạng, hiếm có, độc đáo và duy nhất. Chúng chưa từng bị thay đổi, chỉnh sửa, hay bị tác động một cách có ý thức của con người, trừ sự tàn phá của chiến tranh, thời gian, điều kiện thiên nhiên bất khả kháng. 

Đó chính là những tiêu chí quan trọng để hệ thống thơ văn cổ này trở thành di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Theo TS. Phan Thanh Hải, nếu được UNESCO vinh danh, đây sẽ là trường hợp hết sức thú vị khi có một loại hình di sản nằm ngay trong di sản.