Doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào Nga – thời cơ đã chín muồi

Tính cho tới thời điểm này, đã trải qua 30 năm kể từ ngày lớp người Việt đầu tiên sang Nga làm ăn. Trong một thời gian dài, việc kinh doanh buôn bán của cộng đồng người Việt tại Nga khá tốt đẹp.

Doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào Nga – thời cơ đã chín muồi

Tính cho tới thời điểm này, đã trải qua 30 năm kể từ ngày lớp người Việt đầu tiên sang Nga làm ăn. Trong một thời gian dài, việc kinh doanh buôn bán của cộng đồng người Việt tại Nga khá tốt đẹp.

Ngược lại vài năm trở lại đây, khi chính phủ Nga mạnh tay dẹp bỏ các khu chợ của người nhập cư, cộng đồng người Việt bên đó rơi vào khó khăn, nhiều người phải bỏ việc kinh doanh trở về nước.

 

Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, sự mạnh tay của chính phủ Nga đòi hỏi chính những người Việt muốn kinh doanh buôn bán lâu dài tại đây phải thay đổi theo hướng tích cực hơn để phù hợp với xu thế phát triển chung. Nền kinh tế Nga phát triển cũng đồng thời mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong nước, muốn đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp vào thị trường đầy tiềm năng ở Nga. Hàng loạt những yếu tố khách quan cũng như chủ quan đã biến thời điểm này trở thành “thời điểm vàng” đầu tư vào Nga của các doanh nghiệp Việt Nam.

Sự mở cửa của nền kinh tế Nga

Tháng 8/2012, Nga trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sau thời gian thương thảo dài 18 năm. Ngay sau khi gia nhập WTO, chính phủ Nga bắt đầu tiến hành giảm thuế nhập khẩu và gỡ bỏ một số hàng rào phi thuế quan cho hàng hóa của các thành viên WTO theo cam kết. Theo đó, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu vào Nga được giảm thuế, như giảm từ 13,2% năm 2011 xuống còn 10,8% thuế đối với các mặt hàng nông nghiệp; thuế hàng chế tạo cũng giảm xuống còn 7,3% so với 9.5% của năm trước. Trung bình thuế nhập khẩu hàng hóa năm 2012 giảm từ 10% xuống còn 7,8%. Thời điểm đó, Nga đã chính thức giảm 30% dòng thuế và dự kiến trong 3 năm tiếp theo sẽ điều chỉnh giảm tiếp 30% dòng thuế khác.

Thực hiện đúng các cam kết khi gia nhập WTO, Nga sẽ áp dụng Hệ thống ưu đãi thuế quan của Liên minh Hải quan dành cho các nước kém phát triển và đang phát triển. 152 quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng chính sách ưu đãi này khi xuất hàng hóa vào Nga, với thuế suất 0% đối với nhóm các mặt hàng ưu đãi. Theo lộ trình thuế nhập khẩu của Nga, thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam cũng sẽ được giảm ngay như hàng điện máy và thiết bị (giảm 7 lần so với thuế suất hiện tại), dệt may (2 lần), chè (2 lần), thủy hải sản (4,8 lần)…

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga được giảm thêm 25% thuế quan so với mức thuế Nga cam kết vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước hưởng ưu đãi thuế quan của Liên minh Hải quan. Có thể thấy, chưa có lúc nào thích hợp hơn để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nga như lúc này.

Mối quan hệ hợp tác thương mại Việt – Nga

Song song với việc gia nhập WTO, cùng những chính sách giảm, miễn thuế cho hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển, chính phủ Nga cũng đặc biệt dành nhiều ưu ái cho riêng Việt Nam.

Nhân dịp tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nga lần thứ nhất ở Hà Nội vào ngày 16/10/2013, ngài Igor Ivanovich Shuvalov, Phó Thủ tướng thứ nhất chính phủ Liên bang Nga đã phát biểu: “Chính phủ Liên bang Nga cho rằng, Việt Nam cần phải trở thành một đối tác quan trọng không chỉ chính trị mà cả kinh tế thương mại. Hiện chúng ta đã có mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 20 tỷ USD vào năm 2020. Chúng tôi đã nỗ lực và sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu này mà một trong những giải pháp thực hiện là thành lập liên minh kinh tế Á - Âu để đi vào hoạt động từ 2015 …”

Đây được xem là tín hiệu đèn xanh từ phía chính phủ Nga đối với các doanh nghiệp Việt muốn mở rộng thị trường tại Nga.

Thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào Nga

Mặc dù được ủng hộ nhiều từ chính phủ hai nước về chính sách đầu tư, xuất nhập khẩu,... tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức, gây khó khăn trong việc hữu hình hóa những cơ hội của các doanh nghiệp trong nước.Trong đó, khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung tại Nga, như văn phòng đại diện hay showroom trưng bày sản phẩm tại thị trường này. Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm vững những biến đổi về nhu cầu của người tiêu dùng tại Nga để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Do đó việc xây dựng một đầu mối giao dịch thương mại tập trung ở Nga, tạo nên sợi dây gắn bó xuyên suốt giữa các doanh nghiệp Việt trong nước với thị trường nước Nga được coi là việc làm cần thiết, quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp.

Trung tâm Văn hóa, Thương mại và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva được thành lậpvới mục đích góp phần tích cực vào việc thúc đẩy giao thương giữa 2 nước Việt Nam và Liên bang Nga. Được khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 20/11/2013, Trung tâm Văn hóa, thương mại và khách sạn Hà Nội – Mátxcơva sẽ trở thành cầu nối, nơi gặp gỡ trao đổi thương mại giữa daonh nghiệp hai nước, giúp việc mở rộng thị trường sang Nga buôn bán trở nên dễ dàng hơn. Nói cách khác, sự ra đời của Trung tâm Hà Nội – Mátxcơva đã giảm thiểu tối đa những thách thức do điều kiện địa lý khách quan mang lại, mở rộng cánh cửa vào thị trường Nga cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Phúc Dương, một doanh nghiệp kinh doanh thủy sản ở Bình Dương cho biết: “Nước Nga hiện rất chuộng mặt hàng thủy hải sản, đặc biệt là cá tra, basa. Tuy nhiên, so với một thị trường đông dân như Nga, hiện các DN xuất khẩu thủy sản trong nước chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của việc này là việc thiếu thông tin về thị trường, về các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng bản địa. Sự ra đời của Trung tâm Hà Nội – Mátxcơva đã phần nào giúp đỡ doanh nghiệp chúng tôi giải quyết những khó khăn này”.

Có thể nói, sự tổng hòa các yếu tố khách quan lẫn chủ quan, bao gồm sự mở cửa của nền kinh tế Nga, mối quan hệ ngày càng bền chặt của chính phủ hai nước, sự chuyên nghiệp hơn trong mô hình kinh doanh của người Việt tại Nga. Những yếu tố này đã tạo thành thời điểm tốt hơn bao giờ hết để các doanh nghiệp trong nước tìm được hướng đi mới hiệu quả hơn cho mình tại thị trường Nga.

Theo Hỗ trợ