> Ngân hàng bật 'tín hiệu xanh', DN có mặn mà?
> Techcombank đột phá Cứu doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán những ngày đầu tháng 7 giao dịch èo uột, thanh khoản cạn kiệt khiến cho cảm giác chán nản bao trùm lên nhà đầu tư. Cũng trong tháng 7, kết quả kinh doanh quý 2/2013 của doanh nghiệp sẽ được công bố.
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt trong báo cáo chiến lược mới nhất, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành và nội bộ ngành do “sóng” kết quả kinh doanh quý 2. Trong đó, những nhóm ngành như thực phẩm – đồ uống, phân phối, logistic, thép, chế biến cao su, pin…sẽ có triển vọng khả quan hơn. Trong đó, những doanh nghiệp đầu ngành, những doanh nghiệp có khả năng quản trị hoạt động tốt và những doanh nghiệp nghiêm khắc tự tái cấu trúc trong khó khăn sẽ là những doanh nghiệp có sức hấp dẫn mạnh với dòng tiền, cả đầu tư lẫn đầu cơ.
Trong tình hình khó khăn về vốn kinh doanh , nhiều doanh nghiệp niêm yết chọn cách huy động qua đường cổ đông. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán sụt giảm, cổ phiếu rớt giá. Do đó, giá phát hành cổ phiếu cũng vì thế mà về mức bèo nhất từ trước đến nay.
CTCP Việt An lên kế hoạch chào bán hơn 22 triệu cổ phiếu để huy động vốn. Mức giá chào bán mà công ty đưa ra là 5.000 đồng/cp. Đến thời điểm hiện nay, cổ phiếu của công ty đang giao dịch với giá 7.000 đồng/cp.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) cũng dự kiến chào bán gần 14,5 triệu cổ phiếu với giá chào bán thấp nhất là 5.000 đồng/cp. Tuy nhiên, hiện tại thị giá của TTF chỉ ở khoảng 5.000 đồng/cp. Câu hỏi đặt ra là liệu có cổ đông nào dám mạnh tay chi tiền để mua vào.
Ngoài ra, nhiều công ty vốn hóa lớn khác cũng đưa ra kế hoạch huy động vốn với quy mô lớn hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, mức độ thành công của các đợt chào bán vẫn không có gì chắc chắn trong thời điểm thị trường chứng khoán hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013, Ủy Ban Chứng khoán cho biết huy động vốn qua phát hành cổ phiếu chỉ đạt 2.344 tỷ đồng, giảm mạnh 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rõ ràng, khó khăn chung hiện nay của không ít doanh nghiệp chính là vấn đề kinh doanh mà ngay cả việc huy động vốn để mở rộng sản xuất hoặc đơn giản là “để tồn tại” vẫn còn chật vật. Dù chấp nhận bán cổ phần chỉ bằng 50% mệnh giá nhưng cũng không hề dễ dàng gì.
Với hiện trạng kinh tế hai quý đầu năm, CTCK Rồng Việt không kỳ vọng vào một kết quả tích cực và đột biến của toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, phân tích cũng chỉ ra: so với thời điểm 2012, chỉ số hàng tồn kho đã giảm mạnh cho thấy, mặc dù không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp sản xuất đã có thể tiêu thụ được hàng tồn kho. Bên cạnh đó, nhận thức được vòng xoáy khó khăn của kinh tế, hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động và giảm tối đa chi phí. Với những động thái đó, kỳ vọng vào một kết quả khả quan hơn quý 1/2013 là hoàn toàn khả thi.