> Kiến nghị giảm thuế TNDN theo lạm phát
> Lãi suất hạ nhiệt?
> Hàng loạt doanh nghiệp sập bẫy 'doanh nhân lừa'
Ảnh: Ngọc Mai.
Suất cơm 6.000 đồng
Cty Cổ phần May Long Mã thuộc Cụm Công nghiệp Thanh Oai, Hà Nội trong giờ sản xuất có đến hàng trăm máy may không hoạt động.
Ông Bùi Tuấn Hưng, Phó Giám đốc Cty, cho biết: “Toàn xưởng có gần 700 máy nhưng đến nay chỉ có 200 công nhân đứng máy. Chúng tôi buộc phải để máy không dù biết thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ nhưng đơn đặt hàng ít, giá cả mọi thứ đều tăng từ nguyên liệu đầu vào cho đến điện nước, xăng dầu, khiến chúng tôi không thể gánh vác quá nhiều công nhân”.
Theo ông Hưng, DN đang phải chịu nhiều áp lực vì vốn vay lãi suất quá cao, trên 20%. Cộng thêm giá cả nhiều thứ ngoài thị trường đều tăng buộc DN phải tăng lương cho công nhân.
“Chúng tôi tăng lương cho công nhân từ 2,5 triệu đồng lên 3 triệu đồng từ quý II năm nay để duy trì số lượng công nhân còn lại. Cộng thêm năm nay nhà nước điều chỉnh thuế đất lên tới hàng tỷ đồng/năm, trong khi mọi năm chỉ khoảng 100 trăm triệu đồng/2 ha. Chưa năm nào lại khó khăn như năm nay. Tổng doanh thu năm 2010 của Cty hơn 15 tỷ đồng, còn năm nay khó đạt”, ông Hưng nói.
Tại nhà ăn của Công ty, nhân viên nhà bếp đang chuẩn bị những suất cơm đĩa cho công nhân, mỗi suất cơm chỉ có vài cọng rau muống luộc, ba miếng đậu nhồi thịt và một bát nước canh chua. Ông Hưng cho biết, mỗi suất ăn gói gọn 6.000 đồng. Không chỉ công nhân may mà từ lãnh đạo tới nhân viên văn phòng đều ăn suất như vậy.
Chị Nguyễn Thị Thoa, công nhân tại Cty May Long Mã, nói: “Tôi đã gắn bó với Cty được 5 năm, nhưng điều tôi lo lắng nhất bây giờ là nằm trong danh sách cho thôi việc. Cty đã thu hẹp sản xuất xuống 1/3, vì vậy số lượng công nhân đã giảm đi nhanh chóng. Với tình hình khó khăn như hiện nay thì khi rời khỏi đây, tôi cũng khó mà tìm được một công việc tại công ty may khác”.
Dạo quanh Cụm công nghiệp Thanh Oai, thấy có đến hàng chục Cty may cũng trong tình cảnh tương tự Cty May Long Mã, như: Cty Cổ phần May Xuân Phương, Cty May Bình Minh, Cty Cổ phần Long Xuyên...
Đại diện một Cty may trong Cụm Công nghiệp Thanh Oai chia sẻ: “Chưa bao giờ tình hình khó khăn của DN may lại như năm nay. Dù Nhà nước có ưu đãi cho DN may có hàng xuất khẩu được vay vốn ngân hàng trong thời điểm này nhưng không phải DN nào cũng có thể vay được và khi vay được rồi thì DN lại đau đầu vì lãi suất. Hàng loạt Cty, xưởng may trong nước thành lập ồ ạt khiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Cứ thế này từ giờ đến cuối năm, nhiều DN lỗ nặng. Chuyện giãn sản xuất, cắt giảm công nhân là tất yếu để DN tự cứu mình”.
Hạ lương, giảm thưởng
Dạo qua một số DN tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội) không khí ảm đạm bao trùm làng nghề. Bà Quốc Hương, Giám đốc Cty TNHH Quốc Hương, cho biết: “Làng lụa Hà Đông mấy năm nay gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc để tiêu thụ nội địa. Nhiều DN đã phải chuyển hướng xuất khẩu nhưng giá nguyên liệu hiện tăng quá cao, chi phí sản xuất, vận chuyển lớn. Doanh thu một năm chỉ hơn 10 tỷ đồng mà trả lãi ngân hàng cũng già nửa khiến nhiều DN tha thiết với nghề truyền thống cũng phải bỏ”.
“Vốn hiện là khó khăn lớn đối với các DN dệt may. Lãi suất hiện nay vay tới 23% là quá cao; riêng với ngành dệt, kể cả ngân hàng có cho vay lãi suất thấp hơn nữa thì các DN vẫn khó trụ. Thậm chí, nhiều DN còn không dám vay để đầu tư sản xuất” - Ông Tăng Văn Hấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam
Hiện Cty bà Hương có 50 công nhân, lương trung bình 2,5 triệu đồng/người. “Công nhân trong Cty toàn con em trong làng nên dù có khó khăn đến mấy chúng tôi cũng không đành lòng cắt giảm công nhân. Nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện hạ lương và thưởng”, bà Hương nói.
Ông Đinh Huy Hùng, Giám đốc Cty Lụa Hùng Thắm, nói: “Năm ngoái, toàn bộ 30 công nhân trong Cty chúng tôi đều có thưởng quý, giữa năm nhưng năm nay phải cắt hết. Khó khăn đầu ra, đầu vào với làng lụa là khó khăn chung cộng thêm tác động từ ngoại cảnh như lãi cao, giá cả tăng, chúng tôi không thể đảm bảo chế độ cho công nhân như trước”.
Cty CP Cơ khí May Gia Lâm, được coi là DN mạnh trong ngành may, nay cũng khốn đốn vì lãi vay ngân hàng. Ông Trần Đắc Oánh, Phó Giám đốc Cty, cho biết: “Doanh thu năm ngoái của Cty 50 tỷ đồng, riêng trả lãi ngân hàng mất 10 tỷ đồng. Năm nay, chúng tôi không kỳ vọng như doanh thu năm ngoái, cộng thêm lãi tăng chóng mặt thì riêng việc trả lãi ngân hàng là một gánh nặng. Tình hình này khó duy trì được mức lương, thưởng như năm ngoái”.
Chị Vũ Thị Lý, Tổ trưởng Tổ nguội, Cty Cơ khí May Gia Lâm, nói: “Tôi là thợ cơ khí gần 20 năm, bậc 6/7 thì mức lương trung bình khoảng 2,6 - 2,7 triệu đồng/tháng nhưng do Cty khó khăn nên mức lương hiện nay của tôi tính khoán sản phẩm, thu nhập trung bình chỉ 2,3 triệu đồng/tháng. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, khó khăn lại càng thêm khó khăn”.
Theo ông Oánh, công nhân khối sản xuất trong nhà máy chỉ còn khoảng 40 người. Nhiều tổ phải sáp nhập vào nhau vì thiếu người. “Lương thấp so với giá cả hiện nay, tôi lo công nhân sẽ bỏ nhà máy, lúc đó Cty sẽ khốn khó hơn nhiều, vì ngành cơ khí hiện nay ngày càng thiếu nhân lực”, ông nói.