Doanh nghiệp FDI xin 'cởi trói' khống chế lãi vay 20%

TPO - Sáng 4/12, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2018, nhiều doanh nghiệp FDI đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 20 về việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay ở mức 20%.

Theo ông Mark Gillin, Trưởng nhóm công tác Thuế, Hải quan VBF, Nghị định 20 và Thông tư 41/2017/TT-BTC về áp dụng mức trần lãi vay 20% đối với các giao dịch liên kết, nhằm mục đích đưa các quy định về xác định giữa cá giao dịch liên kết tại Việt Nam đến gần hơn so với quy định thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng trong điều kiện Việt Nam còn nhiều điểm bất cập. 

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Quy định này đang được cơ quan thuế địa phương áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Ông Mark Gillin, Trưởng nhóm công tác Thuế, Hải quan VBF

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ-con thường phát sinh các giao dịch cho vay theo mô hình công ty mẹ đi vay và cho công ty con vay lại. Do đó, nếu áp dụng, các doanh nghiệp trong nước và FDI sẽ bị khống chế nguồn vốn, gây khó khăn trong mở rộng đầu tư, sản xuất.   

Do đó, đại diện nhóm công tác Thuế, Hải quan VBF kiến nghị Bộ Tài chính có thể điều chỉnh một cách mềm mỏng hơn Nghị định này như trong một số hướng dẫn của OECD để phù hợp cho nhiều trường hợp. Bên cạnh đó, có thể cho phép  doanh nghiệp chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau khi chi phí lãi vay vượt mức khống chế.

Đối với tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con, có thể áp dụng tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba trên báo cáo tài chính hợp nhất và áp dụng tỷ lệ cho từng công ty trong tập đoàn. Ngoài ra, Bộ Tài chính có thể có những phương pháp đặc biệt đối với các công ty mới đi vào hoạt động hoặc mới có doanh thu, Đại diện nhóm công tác Thuế, Hải quan VBF kiến nghị.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã kiến nghị Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính xem xét lại Nghị định 20 do chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam, doanh nghiệp đang cần tái cơ cấu vốn. Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, chính sách này của Việt Nam lại không tính đến các khuyến nghị của quốc tế.