Theo Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, đến hết 31/12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng bất động sản tăng 17%.
Tại Vietcombank, hiện dư nợ cho vay bất động sản đối với cá nhân chiếm khoảng 90% tổng tín dụng cho bất động sản. 10% còn lại là cho vay doanh nghiệp bất động sản, trong đó tập trung các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất.
"Với lĩnh vực bất động sản du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Vietcombank nhận định du lịch trong nước và quốc tế đã phục hồi nên năm 2023 sẽ có những chính sách thay đổi phù hợp với thực tế. Chúng tôi sẽ lựa chọn các doanh nghiệp bất động sản uy tín để cho vay", ông Tùng nói.
Với bất động sản nhà ở, trong năm 2023, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết, với những đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch sẽ áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý. Với cá nhân mua nhà ở sẽ tập trung ưu tiên đồng thời thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank - cho biết, hiện ngân hàng đã dành rất nhiều nguồn lực cho bất động sản, với hơn 21% tổng dư nợ là cho lĩnh vực này. Gần 80% dư nợ còn lại phải chia cho hơn 1.000 ngành nghề khác.
"Có ngân hàng nước ngoài nói ngân hàng Việt Nam mê ngành bất động sản quá nên dành nhiều vốn cho nó", ông Dũng nói.
Lãnh đạo VietinBank nhận định khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là vấn đề về pháp lý. Có tới 70% các dự án bất động sản đang gặp vướng về pháp lý. Cùng với đó, vốn mắc ở nhiều nơi như thị trường trái phiếu, chứng khoán... không chỉ riêng ở ngân hàng. Tuy nhiên, khi những vấn đề ở các thị trường khác không giải quyết được hoặc giải quyết chưa có hiệu quả thì áp lực lại dồn lên vai các ngân hàng.
Theo ông Dũng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng ngành ngân hàng kỳ thị doanh nghiệp bất động sản, nhưng thực tế là doanh nghiệp bất động sản khó khăn, ngành ngân hàng cũng "ngồi trên đống lửa".
Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho hay, đến hết năm 2022, dư nợ cho vay bất động sản tại BIDV là 275.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Nhà băng này cho biết năm qua tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân với 217.000 tỷ đồng. "Chúng tôi vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ này", ông nói.
Tại MB, dư nợ cho vay bất động sản đến hết năm 2022 là 21.358,8 tỷ đồng. Theo Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái, những năm qua, MB dành khoảng 8% dư nợ hàng năm để cho vay bất động sản.
"Chúng tôi nhất quán lựa chọn phân khúc có nhu cầu ở các thành phố lớn, tập trung cho sản phẩm có nhiều nhu cầu sử dụng. Chúng tôi cũng thực hiện không siết cho vay bất động sản", ông Thái thông tin.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho hay, nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm ngoái tăng hơn 24% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực có mức tăng cao nhất. Tỷ trọng dư nợ tín dụng cho bất động sản cũng chiếm tới 21,2% tổng dư nợ - mức cao nhất trong 5 năm qua.
Phát biểu tại hội nghị tín dụng cho bất động sản mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp bất động sản, cần có sự ngồi lại làm việc của cả ngân hàng và doanh nghiệp.
"Đề nghị 2 bên ngồi lại, rà soát từng dự án để đưa ra phương án xử lý thấu đáo, khẳng định dự án nào cho vay được thì giải ngân, dự án nào không cho vay được thì chỉ rõ lý do", Phó Thống đốc nói.
Theo số liệu thống kê tại các tổ chức tín dụng, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,3% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất 5 năm qua.