Doanh nghiệp bất động sản cắt giảm nhân viên vì dịch bệnh Covid-19

TPO - Ngoài việc trả mặt bằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải cắt giảm nhân sự,  chuyển qua bán hàng online để ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Chỉ còn 10 nhân viên

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với nguồn cung sản phẩm giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, giảm nhân sự hoặc cho nhân viên làm không lương, chỉ hỗ trợ tiền xăng xe, nếu có giao dịch được thêm "hoa hồng". Điển hình, sàn T. ở quận 7  TPHCM vừa cắt giảm từ 170 nhân viên xuống còn 30 người để hoạt động cầm chừng. Một công ty khác ở quận Bình Thạnh từng có hơn 400 nhân viên thì nay chỉ còn ban lãnh đạo công ty và không quá 10 nhân viên.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một vài doanh nghiệp bất động sản đã phải cắt giảm nhân sự.

Tại TPHCM, bất động sản K.H.L. có tới hàng chục sàn giao dịch. Tuy nhiên từ Tết đến nay, đã đóng cửa hơn 10 chi nhánh. Tập đoàn Bất động sản Tr. A. ở Long An từng có 12 sàn giao dịch nhưng hiện nay cũng phải đóng cửa 4 sàn do không có khách đến giao dịch. Trong khi đó, Công ty Bất động sản Country Holding tại quận 10 đã đóng cửa, dừng mọi hoạt động và chia tiền cho các cổ đông.

Với những sàn giao dịch còn hoạt động, phải tìm cách gia tăng doanh số bán hàng để tồn tại. Ông Hoàng Kim Hoài, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Phúc Điền cho biết, năm 2020 công ty dự định sẽ công bố việc mở bán một dự án ở Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi kế hoạch bán hàng gần bế tắc. Để giữ chân nhân viên, công ty phải tăng lương và hoa hồng cho nhân viên nếu chốt được hợp đồng mua bán. Còn khách hàng mua sẽ được thưởng ngay 1 lượng vàng, nếu khách hàng mua từ 2 nền trở lên công ty sẽ giảm tiền cho mỗi m2 của sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ Nhịp cầu Địa ốc hướng nhân viên môi giới chăm sóc và chốt được hợp đồng từ khách hàng quen, người thân và giới đầu tư cơ hữu vốn có từ trước. Hai dự án Unico Thăng Long Bình Dương và Bạc Liêu Riverside mà công ty đang bán sẽ tặng ngay xe Camry trị giá 1,5 tỷ đồng cho những khách hàng đầu tiên mua hàng.

Tương tự, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time yêu cầu nhân viên phải duy trì quan hệ tốt nhất có thể đối với khách hàng tiềm năng, quen biết… để tránh việc dịch Covid-19 đi qua, khách quên sản phẩm của công ty. Do đó, công ty có chế độ ưu ái đặc biệt như thưởng thêm tiền lương cho nhân viên bán được hàng. Còn đối với khách hàng dù mua hay không sản phẩm, công ty vẫn có quà gửi đến tận nhà.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group, dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng kênh đầu tư bất động sản vẫn an toàn nhất. Chủ yếu, người dân ngại ra đường và tham gia vào các chương trình tụ tập đông người nên cách tiếp cận khách hàng cũng cần có sự đổi mới hơn. Cụ thể, LDG Group xây dựng hệ thống quản lý sản phẩm bằng phần mềm chuyên dụng để các đối tác có thể đăng ký sản phẩm cho khách hàng. Đồng thời tư vấn dịch vụ và hỗ trợ khách hàng qua điện thoại, trao đổi qua hệ thống videocall như Facetime, Skype Live Chat, Video chat….

Thanh lọc

Báo cáo “Bất động sản trực tuyến tăng cơ hội tiếp cận người dùng mùa dịch Covid-19” của Công ty CP DKRA Việt Nam vừa công bố cho thấy, thị trường địa ốc đang không ngừng tiến hóa để thích nghi với giai đoạn dịch bệnh phức tạp. Để duy trì hoạt động những tháng đầu năm, các doanh nghiệp địa ốc đang đẩy mạnh gói giải pháp công nghệ để tiếp cận khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam cho biết, ở mảng phân phối, các ứng dụng giao dịch online cũng nhanh chóng tiếp cận người dùng và tăng trưởng với tốc độ cao. Ứng dụng giao dịch bất động sản trực tuyến Housemap trình làng hồi tháng 11/2019 chỉ ghi nhận 320 thiết bị cài đặt và tương tác 717 người dùng với nhau. Tuy nhiên, từ Tết đến nay ứng dụng đã tăng gấp đôi lượng người cài đặt app. Số người dùng tương tác trên phần mềm cũng tăng gấp 3 lần.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nói rằng, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng hầu hết các ngành nghề kinh tế trong đó có bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo diễn biến của dịch bệnh theo các kịch bản ứng phó khác nhau. Tình hình này có thể kéo dài 3-6 tháng hoặc lâu hơn. Hiện nay, nhu cầu mua đầu tư giảm mạnh, tuy nhiên nhu cầu mua ở vẫn duy trì vẫn có sự quan tâm nhất định. Khó khăn lớn nhất chính là dòng tiền luân chuyển trên thị trường giảm mạnh. Khách hàng ưu tiên tài chính cho việc ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh kéo dài nên giao dịch bất động sản giảm rõ rệt.

Do đặc thù của việc phát triển bất động sản luôn mang tính dài hạn, ngắn cũng khoảng 3-5 năm, dài hơi hơn cũng phải 5-10 năm hoặc hơn nên theo bà Hương công ty vẫn phải duy trì các kế hoạch dài hạn như việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tiện ích và bàn giao nhà cho khách hàng vẫn đảm bảo đúng tiến độ cam kết.

Theo bà Nguyễn Hương, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 như một cái phễu lọc sẽ lọc bớt những doanh nghiêp không đủ sức chống chọi với sóng gió.