Mỗi nơi một giá
Từ sáng sớm ngày 14/2 nhằm đúng mùng 10 ngày quan niệm dân gian là vía Thần tài, dòng người tại Hà Nội đã rồng rắn xếp hàng tại các địa điểm khu bán vàng quen thuộc, tại phố Hàng Bạc, phố vàng Trần Nhân Tông. Trước các cửa hàng SJC, Doji, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, rất đông người chen chân chờ đợi mua vàng cầu may vào đúng giờ đẹp.
Giá vàng ngay trong buổi sáng được Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 36,6-37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với mức giá cuối ngày 13/2, giá vàng miếng mua vào đã giảm 100.000 đồng/lượng, trong khi giá bán ra không đổi. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,6-37,5 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng chiều mua vào. Tuy nhiên, chiều bán ra lại tăng mạnh 120.000 đồng/lượng. Giá vàng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 36,7-37,1 triệu đồng/lượng, giảm 10.000 đồng chiều mua vào và tăng 10.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Như vậy, giá mua vào và bán ra của kim loại quý này đang có mức chênh lệch khá cao, khoảng 400.000-500.000 đồng/lượng, thậm chí có lúc lên tới 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại các tiệm vàng nhỏ lẻ, giá vàng được đánh thành nhẫn bán ra ở mức quanh 3,720 triệu đồng/chỉ, cũng chênh lệch khá cao, từ 50.000 đến 80.000 đồng/chỉ so với giá mua vào. Trong khi đó, cùng thời điểm phiên giao dịch buổi sáng, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.312 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2019 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.316 USD/ounce. Giá vàng hôm nay cao hơn 0,7% (9,5 USD/ounce) so với đầu năm 2018. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 36,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 900 ngàn đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Sản phẩm bán chạy nhất trong ngày vía Thần tài là vàng nhẫn trơn hoặc miếng, Càng về gần giờ trưa, từng hàng dài người vẫn chờ mua vàng tại các địa điểm kinh doanh vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Doji…Chị Minh Châu ( trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “3 năm trở lại đây, năm nào tôi cũng xếp hàng mua vàng trong ngày vía Thần tài để lấy may. Tôi chỉ mua một chỉ cất đi nên không quan tâm đến giá cả”.
Doanh nghiệp kiếm bẫm
Đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Doji cho biết, ngày vía Thần Tài năm 2018, công ty đã bán ra đến 260.000 sản phẩm, tăng 50% so với năm trước, trong đó chủ yếu là các sản phẩm vàng ép vỉ, vàng được cho là tạo may mắn. Năm 2019, doanh nghiệp tung ra thị trường 300.000 sản phẩm vàng các loại, phục vụ nhu cầu của người dân. Còn đại diện hãng vàng Phú Quý cho biết, phải tăng số lượng nhân viên thu ngân gấp 20 lần trong dịp này. “Cũng như mọi năm, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp sản phẩm nhẫn tròn trơn loại nửa chỉ, một chỉ, ba hoặc năm chỉ; tượng hoặc miếng vàng của 12 con giáp...”, đại diện doanh nghiệp vàng Phú Quý nói.
Các Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, , Công ty SJC, Vàng bạc đá quý Sacombank…cũng chuẩn bị hàng trăm nghìn sản phẩm để tung ra thị trường trong ngày kinh doanh sôi động nhất của một năm. Các hãng vàng lớn cũng tung ra nhiều sản phẩm vàng và trang sức liên quan hình heo với giá cả khá đa dạng, từ vài triệu đồng cho đến cả trăm triệu đồng. Điển hình như “heo bằng vàng”, “heo bưng vàng”, “heo cầm thỏi vàng”… có giá từ vài ba chục triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng/sản phẩm.
Trên các trang mạng xã hội, tràn ngập những lời mời chào mua vàng cầu may với các sản phẩm chủ yếu như lắc tay, nhẫn kim tiền, miếng Thần tài… với đủ các mức giá khác nhau. Phần lớn khách hàng của những cửa hàng online này là người trẻ.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, chuyện mua vàng ngày vía Thần tài là không hợp lý, bởi sẽ làm giá vàng đội giá, tăng cao trong vài ngày, làm mất thời gian người đi mua. Đồng thời, khi dân đổ xô đi mua sẽ đẩy giá vàng lên tạo cơ hội cho người kinh doanh vàng bán được nhiều hàng hóa, từ đó đem lại lợi ích cho người bán. Xu hướng mua vàng ngày vía Thần tài mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam được 8 - 9 năm trở lại đây và việc giá vàng lên quá cao sẽ “lợi bất cập hại”.