Đổ thừa

TP - “Việt Nam rất dễ bị tổn thương từ thiên tai”, ông Rajendra K. Pachauri, chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu nói như vậy.

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc UNDP tại Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương dễ xảy ra các thảm họa do khí hậu nhất.

Trong hai thập kỷ qua, trung bình mỗi năm có 441 người thiệt mạng do thiên tai. Con số tử vong có xu hướng giảm đi nhưng thiệt hại kinh tế đang có xu hướng gia tăng. Thiên tai ở Việt Nam gây thiệt hại trung bình 1,9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, tương đương 1,3% GDP.

Thiên tai không biết nói, không thể tranh luận được với người đời. Mưa bão là nguyên nhân người ta nêu ra để lý giải câu hỏi vì sao con đường Bắc Hà Đông to vật, nằm trên đất chứ không vắt vẻo trên cao, lại bị sụt lún một cách đáng thương như vậy.

TS Ngô Quang Toàn, trưởng đoàn Địa chất Hà Nội nói về “hố tử thần” trên đường Bắc Hà Đông: “Nói gì thì nói, nguyên nhân sạt lở là nguyên nhân nhân tạo”. Nguyên nhân nhân tạo, và mưa lớn chỉ là sự cộng hưởng.

Bạn đọc báo điện tử Vietnamnet bình luận: Đường bị sạt lở là do mưa thì cũng không khác gì bảo cháy là do lửa, nghèo là do không có tiền.

Cứ 10 người Việt Nam thì có 7 người có nguy cơ phải gánh chịu tác động của thiên tai. Tỷ lệ chịu tác động từ nhân tai thì chưa có thống kê, nhưng có thể thấy người dân phải chịu khổ nhiều từ sự vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm.

Thường, bão làm lộ bất cập của đời sống: những con đê bị ăn bớt vật liệu, người dân vùng sạt lở không được di dời, âu thuyền thiếu an toàn, cây xanh đô thị bị xẻo rễ, tiền cứu trợ bị xà xẻo, bị chính quyền địa phương mang đi ngâm trong ngân hàng…

“Kỳ diệu” nhất là người ta lấy bão làm nguyên nhân cho một sự cố hoàn toàn không trực tiếp do bão gây ra. Và không chỉ có một địa phương đổ tại bão. Thiên tai mà biết nói năng… Thì nó sẽ nói rằng, không sòng phẳng với thiên nhiên, làm sao quản trị xã hội?

Đời sống đang có nhiều cơn bão. Bão giá. Bão nợ xấu. Bão phá sản. Người dân của đất nước ưỡn mình ra phía biển đã quật cường để sống chung và từng bước vượt các loại bão.

Người dân thường nghiến răng chịu đựng, hiếm khi đổ thừa cho ai hay cái gì. Chỉ có những kẻ thiếu trách nhiệm, thì luôn tìm cách đổ trách nhiệm. Và, một trong những thứ để đổ thừa, chính là thiên nhiên.

Theo Báo giấy