"Lưng rồng" có vượt được "Bóng đè"
Nấn ná mãi tôi mới sờ đến Lưng rồng, tập truyện ra mắt nửa tháng nay với “đinh” là truyện có tên dùng làm tên tập, dung lượng khá dài, còn lại gồm vài truyện mới cùng vài truyện tái bản. Nấn ná là bởi vẫn nghĩ Đỗ Hoàng Diệu đã bị bóng đè thật, khó vượt qua chính mình.
Bóng đè hay trước tiên bởi văn hay, chưa bàn đến ý tứ sâu xa. Lưng rồng, thật bất ngờ, cũng vậy. Ngẫu nhiên giở trang nào trong bốn chục trang cũng có thể nhặt được câu từ đắt, cầu kỳ óng chuốt nhưng tự nhiên. Văn phong hiện đại lắt léo.
Hai tiểu thuyết gần đây - Lam Vỹ và Hầm mộ, một đã in và một chưa, khó đọc hơn nhiều. Ngay tập Bóng đè cũng không đều tay khiến Diệu có lúc bị liệt vào “hiện tượng một bài”. Tuy nhiên đến Lưng rồng, dễ mà gây sửng sốt! Chữ nghĩa biến ảo, tưởng tượng phong phú trong khi chi tiết, hình ảnh lại bắt chặt rễ vào một Việt Nam hôm nay.
Diệu cho biết đúng là cô viết truyện này rất dễ dàng vì ý tưởng có từ lâu, nhẩn nha hai tháng thì xong. Chẳng cố đẽo chữ gọt vần mà nảy từ nào ý nào chỉ việc lia ra. Có lẽ lại một pha xuất thần sau Bóng đè? Chứ đọc mấy truyện cũng in lần đầu trong tập, thấy khó mà so với truyện Lưng rồng: Lửa đạo, Những sợi tóc màu tang lễ, Cổ thụ, Mộng du.
Từ tác phẩm tuổi xanh đến "Bóng đè"
Năm 1990 Đỗ Hoàng Diệu từ Thanh Hóa ra Hà Nội lần đầu, được bố là nhà văn Đỗ Văn Phác đưa đến báo Tiền Phong dự trao giải Tác phẩm Tuổi xanh. Cô bé đoạt Khuyến khích với truyện Ông lão hàng xóm.
Trong khoảng hai chục cô cậu khắp miền đất nước về hôm đó, con bé Diệu dường như không có gì đặc biệt với cái trán dô bướng bỉnh, dáng điệu và ăn vận thì quê nồng. Đỗ Huy Chí (đồng giải Nhất thơ với Đinh Thu Hiền) có vẻ thư sinh. Nguyễn Hữu Hồng Minh hơi “quắm”, cũng ấn tượng. Nguyễn Vĩnh Tiến thì ngộ nghĩnh, sau thành kiến trúc sư- nhạc sĩ. Đinh Thu Hiền người Vinh, cực cá tính. Cuối cùng Đinh Thu Hiền và Đỗ Hoàng Diệu nổi nhất nhờ… quậy!
Chẳng là, chỉ trụ có một buổi ở nhà khách, cả lũ Tác phẩm Tuổi xanh (và sau đó cả tòa soạn) đã biết Hiền vốn mê mệt một nghệ sĩ, nay nằng nặc đòi cô Bích Hậu ban Bạn Đọc phải tầm bằng được chàng đem về đây. Diệu thì bị vẻ sáng trưng của V.Q, một chàng Hà Nội cũng đoạt giải “Khúc khích” truyện ngắn, hớp hồn. Khóc khóc mếu mếu vì chàng. Thế là loạn hết cả lên!
Tôi hồi đó ngoài hai mươi, mô phạm và dát chết dù sinh ra lớn lên ở thủ đô. Sau Tuổi xanh về Tiền Phong mấy năm vẫn bị các chị trêu “trông ngơ ngơ thế này chắc giờ này vẫn tưởng thịt gà ngon nhất đây”. Cho nên thấy vẻ “hiện sinh” của thanh nữ Hiền “mồ anh đó tôi chôn bằng nước mắt” (thơ đoạt giải của cô) và thiếu nữ Diệu thì lấy làm lạ lắm.
Sau này Diệu kể, phải lâu lâu mới hết điên tình vì V.Q. Hết điên vì chàng này lại có chàng khác, thậm chí suýt tự tử vì tình!
15 năm sau, 2005, tôi mới gặp lại Diệu. Hôm ấy dự ra mắt Bóng đè, trên đường đi cứ nghĩ không biết có phải con bé “yêu sớm” “điên sớm” ngày xưa. Dân tình đã xôn xao lắm về Bóng đè, tôi đọc thấy choáng, đầy hy vọng về sự xuất hiện cây bút mới độc lạ, không bị ảnh hưởng Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài như bệnh chung kéo từ thập niên 1990 đến tận giờ.
15 năm, con bé tẩm toái ngày nào đã trở thành một phụ nữ 29 tuổi mặn mòi, dáng dấp hiện đại, mắt đẹp, gương mặt cá tính. Tôi tiến lại hỏi “Em có phải Diệu Tác phẩm Tuổi xanh mà chị từng gặp”, nhiệt liệt chúc mừng cô về bước đường mới và diện mạo mới đang độ chín. Thế rồi viết bài Đỗ Hoàng Diệu và Bóng đè trong ngày Hà Nội giông bão trong đó trích dẫn những nhận xét nồng nhiệt ví dụ của nhà văn Nguyên Ngọc: “Nói bóng đè tức là muốn thoát ra khỏi bóng đè, ra khỏi quá khứ hướng tới tương lai. Giải phóng cá nhân, giải phóng chúng ta”…
Cô ấy như tôi biết
Phóng viên và nhà văn có người nói với tôi từ khi Diệu mới nổi, đến giờ vẫn bảo lưu: “Diệu nó điệu quá, văn lẫn người. Tuồng như không thật”. Văn chương tùy tạng, kẻ thích người không ấy lẽ thường, còn người? Tôi nói với họ, nếu không chơi với Diệu có lẽ tôi cũng nghĩ thế, rằng vẻ hơi điệu đà đó (cô còn tự nhận mình sến súa) chưa chắc hợp gu tôi. Nhưng biết cô đã mười mấy năm nên có thể nói, cô chân thành không kém ai. Thật không kém ai. Là người dễ chịu, biết điều, hiểu đời.
Có người bình phẩm: “Cô ấy có cái vẻ me Tây me Mỹ, và phong cách thì rõ là giẫm phải Âu, Mỹ”. Thì cô ấy là vợ một anh Mỹ mà. Cô ấy bây giờ có thể lên Facebook kể mình chưa từng mặc áo cưới, nay hai con lớn, chồng bảo hay là làm đám thì cô gạt phăng. Thế mà không “thật”?
Cô hay đưa những bức ảnh khá “điên” hoặc ít trau chuốt của mình lên mạng xã hội, và chả ngại nói về sự khác người, hâm dở của mình. Chính kiến mạnh mẽ về mọi vấn đề, bất chấp khen chê của người khác. Tôi gặp Alec chồng cô rồi. Tôi hỏi Diệu thế nào, anh đáp tiếng Việt khá sõi: “Dạo này đỡ điên hơn”.
Hỏi Diệu có bị sốc văn hóa dạo mới làm dâu? Cô nói thế này và tôi tin: Em chả sốc tí nào. Hồi mới sang, em thấy San Francisco, Hollywood hay gì đi nữa, chả khác Bờ Hồ!
Mỗi năm một hai lần nghe Diệu thông báo sắp về nước, tôi bảo về làm qué gì lắm, có gì hay đâu. Cô đáp: “Chị ơi em phải về chứ”.
Nhiều người in dăm bảy tập truyện hoặc thơ hoặc tiểu thuyết, mà không phải nhà văn. Ðỗ Hoàng Diệu chỉ cần một Bóng đè đã nhà văn. Nay lại có Lưng rồng thì không thể đùa với người này được. Những ai coi Ðỗ Hoàng Diệu ăn dày, ăn may (nhờ Bóng đè) hãy coi chừng.
Là bởi tuy đầy bức xúc điều này điều nọ nhưng hóa ra quê hương xứ sở là tất cả những gì cô quan tâm, yêu thương. Còn thế giới bên ngoài, không quan tâm! Nước Mỹ nơi cô có gia đình hạnh phúc, chồng đẹp con khôn song mỗi khi chồng lên kế hoạch cả nhà du lịch xuyên Mỹ hoặc châu Âu thì thường bị vợ gàn, kiếm cớ ở nhà. “Em chỉ sống với thế giới của mình là đủ lắm rồi. Suốt ngày nghĩ ngợi, tưởng tượng các thứ kể cả ma quái, điên dại”. Không có nhu cầu quảng giao, đi đây đi đó và càng không định viết về những thứ ngoài Việt Nam.Đọc Lưng rồng của Diệu thì biết: Cô sẽ còn đau đáu, nghĩ và viết mãi không thôi về nơi mình thuộc về. Nơi ấy có người cha thân yêu đã khuất, có ngôi nhà cha mẹ ở xứ Thanh quê hương, có giao thông thủ đô theo cô là ghê rợn. Nhiều thứ vừa ghê rợn vừa xót xa... Nhưng không có những điều đó thì không có Đỗ Hoàng Diệu hôm nay. Chúc mừng thành công mới của cô với Lưng rồng. Mừng cho con bé 14 tuổi ngơ ngác ra Hà Nội nhận giải năm xưa, và cộng tác viên thân thiết của báo hơn chục năm nay.
Sắc, giới trong Lưng rồng cũng có, không đậm đặc như Bóng đè. Phát hiện về Ðỗ Hoàng Diệu: cô khá hài hước qua truyện ngắn mới này. Nhân đây cũng nói, với Bóng đè, Ðỗ Hoàng Diệu là nhà văn Việt hiếm hoi viết sex mà đọc thấy vào, không hổn hà hổn hển, có tài diệt dục như phần đông nhà văn ta. Nữ sĩ viết sex không đại tài như Marguerite Duras thì ít ra cũng phải như Ðỗ Hoàng Diệu mới mong gợi dục, từ đó truyền tải được ý đồ thâm sâu nếu có.