Đỗ Hoàng Diệu nói gì về phim 'Bóng đè' trùng tên với tác phẩm của mình?

TP - Vừa qua, diễn viên Dustin Nguyễn họp báo lên tiếng tố cáo nhà sản xuất New Arena, nhà sản xuất  CGV và đạo diễn Lê Văn Kiệt “gian dối, vô đạo đức”khi đột ngột cắt vai của anh mà không thông báo. Từ lùm xùm này, nhiều người mới biết bộ phim đó có tên “Bóng đè”, khởi quay đầu tháng 12/2019. Vấn đề là tên phim “Bóng đè” trùng với tên truyện nổi tiếng của Đỗ Hoàng Diệu. PV trao đổi với Đỗ Hoàng Diệu hiện sống ở Mỹ về sự trùng hợp này.

Từ Mỹ, chị biết bộ phim “Bóng đè” do đâu?

Vào buổi sáng xấu trời, tuyết rơi xước mặt người, tự nhiên có mấy tin nhắn vừa chúc mừng vừa thắc mắc về việc truyện Bóng đè sắp thành phim! Tin đấy dập vào mặt tôi còn rát hơn cả tuyết. Lên mạng xem các bài báo liên quan về lùm xùm giữa nhà sản xuất phim với diễn viên Dustin Nguyễn, tôi mới hiểu ra Bóng đè là tên của một bộ phim mà báo chí gọi là bom tấn đang trong giai đoạn khởi quay.

Rõ ràng chỉ nghe tên Bóng đè thôi, nhiều người đã nghĩ ngay, liên tưởng ngay đến truyện của tôi. Họ mặc định phim Bóng đè chắc chắn chuyển thể từ truyện Bóng đè. Dù không muốn cũng phải nhìn nhận, tranh cãi thế nào, hay dở thế nào, thực tế Bóng đè đã là thương hiệu của Đỗ Hoàng Diệu, như rau má với Thanh Hóa, như cốm với làng Vòng, như thịt chó với Nhật Tân, như nước mắm với Phú Quốc, như Tướng về hưu với Nguyễn Huy Thiệp, như Cánh đồng bất tận với Nguyễn Ngọc Tư, như Em ơi Hà Nội Phố với Phú Quang… Như hàng ngàn thương hiệu lớn nhỏ xấu tốt trên thế giới này.

Dù vô tình hay cố ý, đơn vị làm phim cũng có vấn đề. Nếu vô tình, chứng tỏ anh thiếu hiểu biết, thiếu ngay từ mảng văn hóa nghệ thuật là mảng chính anh đang sống trong đó, làm trong đó, kiếm tiền từ đó, nổi danh từ đó. Chất lượng phim Việt, tài năng của đạo diễn Việt đến đâu là câu hỏi chưa bao giờ cũ. Nhà nhà làm phim, người người làm phim, cũng tốt. Nhưng nhiều phim điện ảnh mà khán giả xem xong có cảm giác vừa xem MV minh họa cho nhạc phim thì đã đến hồi báo động.

Giả dụ họ biết vẫn cố ý đặt tên Bóng đè? Hy vọng không phải vậy. Tôi có linh cảm họ chỉ vô tình, và phim chỉ mới bắt đầu… Nhưng cả một đoàn phim, từ biên kịch, đạo diễn cho tới nhà sản xuất, quay phim, diễn viên, đối ngoại… chẳng lẽ? Hơi khó tin nhỉ?

Nhiều năm trước có bộ phim truyền hình “Nhật ký Vàng Anh” trong đó nhân vật nữ chính tên là Vàng Anh. Nhà văn Hồ Anh Thái hồi đó cho rằng không nên đặt tên như thế vì dù sao Phan Thị Vàng Anh cũng là cái tên nổi danh văn đàn. Còn tôi vừa nghe tên phim “Bóng đè” đã nghĩ: “Có liên quan gì đến truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu không nhỉ, có nhẽ đâu thế”. Kể cả ngoài đời, theo tôi cũng nên tránh đặt tên trùng hoàn toàn với danh nhân. Ví dụ từng có quan chức tên là Lê Quý Đôn, hoặc doanh nhân Nguyễn Gia Thiều… Tôi thậm chí cho rằng ngay cái tên như Trần Quốc Tuấn cũng nên tránh (Là Trần Hưng Đạo - Đức thánh Trần cơ à?).

Chị biết không, nhà văn Tạ Duy Anh nói đã phải đổi tên tiểu thuyết chỉ vì tên gần giống với tên sách của tôi. Tức là anh đã viết tiểu thuyết Đường hầm, đến lúc thấy trên bàn biên tập bản thảo Hầm mộ, anh lập tức đổi ngay tên cuốn sách của mình. Đấy là nhân cách của một nhà văn tài năng và tự tin, có trách nhiệm với tác phẩm mình viết ra, với xã hội.

Nói cho đúng, kho từ vựng tiếng Việt dù bao la song đôi lúc cũng chật chội, chỉ có thể là từ đấy đặt ở đấy mà không thể từ khác. Nhưng từ đó cấm kỵ, từ đó quá quen thuộc, từ đó đã “thuộc về” người khác? Lúc này sáng tạo lên ngôi. Kho từ vựng chưa có thì anh nghĩ ra từ mới, anh chế biến từ những cái có sẵn thành cái mới, chẳng phải sẽ hay hơn, độc đáo hơn.

Vụ phim Nhật ký Vàng Anh, đúng là hơi chối. Rất không nên. Mấy chục năm sống, tôi chỉ thấy con chim vàng anh nhảy vào tay áo nhà vua trong truyện Tấm Cám và nhà văn Vàng Anh, bà chủ của thương hiệu Khi người ta trẻ. Ngoài ra tôi chưa gặp ai có tên Vàng Anh. Nghe nói hồi đấy nhà văn Vàng Anh đã gọi cho đạo diễn nêu thắc mắc, nhưng cuối cùng  tên phim vẫn giữ nguyên, trình chiếu rồi gặp nạn. Đầu không xuôi đuôi khó lọt.

Tôi nghĩ không nên kiêng kỵ tuyệt đối việc đặt tên người trùng với danh nhân. Có người sống trên phố Nam Cao, lại thích văn chương thế là dập lên giấy khai sinh con hai chữ Nam Cao, cũng đáng yêu. Có cái tên ghép từ họ bố và họ mẹ với nhau, vô tình trùng danh người nổi tiếng. Hay như tên tôi, tôi tự đặt hồi học lớp ba, lúc còn chưa biết ông Hoàng Diệu là ai, may mà  có cái họ Đỗ vớt vát. Nói vậy nhưng đột nhiên gặp ai đó, nghe xưng danh tôi là Trần Hưng Đạo, tôi là Hồ Xuân Hương đây, rùng mình hốt hoảng thật. Rất nên tránh. 

Tên người đôi khi vận vào đời, tên tác phẩm nhiều phen khiến tác phẩm lao đao, cách đặt tên là thể hiện hiểu biết và văn hóa của người đặt. Dự án phim Bóng đè chỉ mới khởi quay. Còn cả chặng dài trước khi hoàn thành, trình chiếu. Tôi tin họ sẽ nghe, sẽ cân nhắc.

Sau khi Dustin Nguyễn bức xúc họp báo, nhà sản xuất New Arena đã phản pháo, nói Dustin Nguyễn  quá nặng lời và “vi phạm cam kết bảo mật”, và rằng họ đã đền bù 80 triệu cho 6 ngày làm việc của Dustin, cắt vai chỉ vì anh không hợp (Thù lao sẽ là 800 triệu đồng cho 60 ngày nếu hoàn tất vai diễn). Còn CGV tuyên bố chỉ là một nhà đầu tư nhỏ cho bộ phim, không liên quan đến tranh chấp giữa diễn viên và nhà sản xuất. Phía Dustin Nguyễn sau đó vẫn bảo lưu nhận định của mình, cho biết sẽ tranh đấu đến cùng, và “mong đạo diễn Lê Văn Kiệt lên tiếng giải thích”.
Về cái tên phim lạ lẫm Bóng đè trùng tên truyện nổi tiếng của Đỗ Hoàng Diệu, ngoài tác giả Đỗ Hoàng Diệu thì có lẽ nhiều độc giả, khán giả có lẽ cũng muốn nghe một lời giải thích từ nhà sản xuất và đạo diễn của bộ phim? 

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu

“Không có ý so sánh, nhưng thử tưởng tượng bộ phim có tên “Cánh đồng bất tận” mà lại không liên quan đến “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư thì thế nào nhỉ?
Tôi chưa cầm tiền nhưng đã gần như hứa sẽ để dành “Bóng đè” cho một công ty, sau này lời hứa được hứa thêm lần nữa với công ty khác. Không dưới hai lần, dự án phim manh nha. Nhưng vẫn không thể thực hiện bởi lý do bất khả kháng, không đến từ ê kíp làm phim. Tôi nghe nói đạo diễn Lê Văn Kiệt từng có phim bị cấm phát hành, hãy cẩn thận lần này, có thể bị vạ lây vì cái tên “Bóng đè”.
Mà giả sử tương lai, phim dựa trên truyện “Bóng đè” của tôi được phép, chẳng lẽ lúc đó lại ghi chú: Bóng đè này không phải Bóng đè kia? Đè đi đè lại, bóng người người bóng có mà nổ tanh bành”.
Nhà văn ĐỖ HOÀNG DIỆU